Hồ Dầu Tiếng sẽ xả nước liên tục trong 8 ngày, tổng lượng xả 60,48 triệu m3. Các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn được thông báo “có thể ngập cục bộ”.

xa lu ho dau tieng
Đập tràn xả lũ hồ Dầu Tiếng. (Ảnh: baotayninh.vn)

Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đưa ra thông báo trong ngày đầu tiên Hồ Dầu Tiếng xả nước.

Tại thông báo ngày 24/9, cơ quan này cho hay việc xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng đợt 1 năm 2024 bắt đầu từ 7h ngày 24/9 đến 7h ngày 1/10/2024.

Lưu lượng xả qua tràn 100 m3/s. Tổng lượng xả 60,48 triệu m3.

Việc xả tràn 100 m3/s được thông báo để chủ động phòng, chống lũ cho công trình và vùng hạ du, trong điều kiện bình thường không gây ngập úng các xã, phường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, “cần đề phòng khi mưa to kết hợp với lưu lượng xả tràn như trên có thể gây ngập cục bộ các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn” – Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương khuyến cáo.

Thông báo trên được gửi tới Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn huyện Dầu Tiếng, TP. Bến Cát, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một và Trung tâm Đầu tư, khai thác Thủy lợi và Nước sạch nông thôn biết để chủ động ứng phó.

Hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985, diện tích lên đến 27.000 ha, dung tích chứa đạt chứa đạt đến 1,58 tỷ m³ nước.

Hồ Dầu Tiếng nằm trải dài trên địa phận 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trong đó, thượng nguồn hồ thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh và phần lớn diện tích hồ nằm ở tỉnh này.

Hồ Dầu Tiếng là hồ thủy lợi, có chức năng cung cấp nước tưới cho hơn 93.000 ha đất nông nghiệp của Tây Ninh và các tỉnh lân cận như Long An, TP.HCM. Hồ nước rộng lớn này chỉ cách TP. Tây Ninh 20km về hướng Đông và cách TP.HCM khoangt 90km.

Ngày 24-28/4 vừa qua, hồ Dầu Tiếng được điều tiết xả khoảng 7 triệu m3 nước vào sông Vàm Cỏ Đông (lưu lượng 15m3/s) để tăng nguồn cung nước ngọt, khống chế ranh mặn khi mặn xâm nhập vào nội địa hơn 100 km, hơn 20.000 người dân Long An thiếu nước (Long An công bố thiên tai hạn mặn khẩn cấp, cấp độ 4 vào ngày 17/4).

Tăng xả tràn của hồ Thủy điện Trị An, Thủy điện Srok Phu Miêng

Cùng từ ngày 24/9, hồ Thủy điện Trị An (Đồng Nai) và Thủy điện Srok Phu Miêng (Bình Phước) đồng loạt tăng xả tràn để điều tiết mực nước, theo thông báo ngày 23/9 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai​ – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Trong đó, từ 9h ngày 24/9, tại hồ Trị An, lưu lượng nước xả qua tràn 320 m3/s; lưu lượng nước qua tua bin phát điện từ 800 m3/s đến 850 m3/s. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du từ 1.120 m3/s đến 1.170 m3/s.

Hai tiếng sau, từ 11h ngày 24/9; lưu lượng nước xả qua tràn tăng lên 480 m3/s; lưu lượng nước qua tua bin phát điện từ 800 m3/s đến 850 m3/s. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du từ 1.280 m3/s đến 1.330 m3/s.

thuy dien srok phu mieng
Thủy điện Srok Phu Miêng xả lũ. (Ảnh: idicoconac.vn)

Tại hồ Srok Phu Miêng, lưu lượng xả tràn 253 m3/s; lưu lượng chạy máy 302 m3/s. Tổng lưu lượng xả xuống hạ du 555 m3/s.

Theo thông báo, tổng lưu lượng xả xuống hạ lưu sông Đồng Nai từ 1.675 m3/s đến 1.885 m3/s (Thủy điện Srok Phu Miêng và Trị An), trong điều kiện bình thường không gây ngập các vùng ven sông Đồng Nai. Tuy nhiên, có khuyến cáo “cần đề phòng khi có mưa to kết hợp với lưu lượng xả trên có thể gây ngập một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp các vùng trũng thấp ven sông Đồng Nai”.

Từ 10h ngày 23/9, Công ty Thủy điện Trị An đã tiến hành xả lũ qua đập tràn, theo thông báo ngày 22/9 của công ty. Mở cửa xả số 3, lưu lượng xả 150 m3/s; lưu lượng nước qua tua bin phát điện là 815 m3/s. Tổng lưu lượng nước xuống hạ du sông Đồng Nai là 1.000 m3/s.

Minh Sơn