Khi nền tư pháp thiếu lương tri
- Lê Trai
- •
Chiều 30/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) Toà án nhân dân tỉnh Hoà Bình đã tuyên phạt bác sĩ Hoàng Công Lương 42 tháng tù, về tội Vô ý làm chết người.
Ngoài ra, HĐXX đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hoà Bình khởi tố bị can đối với bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, về tội Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Tù treo” ngành y giờ đã không còn là nguy cơ nữa. Những diễn biến của vụ án Hòa Bình nói chung và bản án 42 tháng tù tuyên phạt bác sĩ Lương nói riêng đã có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm cho tất cả nhân viên y tế của ngành y Việt Nam.
Kể từ khi bản án chính thức có hiệu lực, các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ phải chịu trách nhiệm về những sự cố y tế do người khác gây ra, nằm ngoài khả năng tác động. Kể từ khi bản án có hiệu lực, bất kỳ ai cũng có thể bị xem là có tội, bị bắt giam vào nhà tù theo phán xét của ngành công an trước khi có phán xét của toà án; bất kỳ ai cũng bị tòa án tuyên án là có tội dù kết luận không nhận được sự đồng thuận từ bất kỳ chuyên gia y khoa thuộc các chuyên ngành y khoa liên quan.
Có những hậu quả nhãn tiền từ việc kết tội, xử án đối với bác sĩ điều trị đã thấy rõ. Bác sĩ Lê Chí Công, Chuyên khoa thận nhân tạo cho hay cách đây 2 năm anh về làm tại khoa thận nhân tạo tại một bệnh viên tư nhân. Thời điểm đó, bệnh viện đã sắm 20 máy chạy thận, trong đó có máy công nghệ HDF online. Nhưng sau sự cố y khoa tại Hoà Bình (tháng 5/2017), tất cả đã bị đình trệ vô thời hạn. Cũng trong khu vực đó, một số bác sĩ chuyên khoa thận nhân tạo xin nghỉ việc và chuyển ngành. Việc tuyển người gặp khó khăn vì ai cũng ngao ngán… Có đơn vị tổ chức chạy thận tuyến trạm y tế phường cũng phải ngừng lại. Các đơn nguyên thận nhân tạo ở nơi khác thì không dám tách ra bởi không ai dám dũng cảm “đứng mũi chịu sào” một đơn vị có nhiều nguy cơ tiềm ẩn…
Vậy sau vụ án này, bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. Từ góc nhìn của một bác sĩ chuyên khoa, theo bác sĩ Công, sau vụ án sẽ không có cơ sở y tế vùng sâu vùng xa nào dám phát triển việc điều trị chạy thận nhân tạo. Bệnh nhân sẽ phải chịu cảnh nhồi nhét và đi xa để đến các trung tâm lọc máu đông đúc, chật chội, phải dậy sớm, thức khuya để chờ tới lượt chạy… Dù từng ngày trôi qua, họ phải vật lộn với đủ các triệu chứng do cơ thể bị nhiễm độc, thở gấp, buồn nôn, chóng mặt, trí nhớ giảm sút… Mỗi lần chạy thận xong, họ gần như mới có thể sống tiếp. Nhưng còn sự tuyệt vọng và bất lực, khánh kiệt cả về tài chính lẫn tinh thần thì dường như chẳng có điểm dừng.
“Án chung thân” của bệnh nhân suy thận là sức khỏe suy kiệt từng ngày. Còn các bác sĩ, họ bị “tù giam” tư tưởng khi bất kỳ thời điểm nào cũng có thể nạn nhân của ngành tư pháp khi các tai biến hay sai sót y khoa luôn chực chờ xảy ra, trong điều kiện làm việc máy móc không được kiểm tra định kỳ, bệnh viện quá tải trầm trọng còn nhân viên làm việc tùy tiện, quy trình không rõ ràng… Viện kiểm sát và tòa án thì không chấp nhận lý lẽ của lẽ phải, từ chối lắng nghe phân tích chuyên môn. Trong một vụ án y khoa chưa từng có tiền lệ, khi người nhà của bị hại nhất mực kêu oan cho bị cáo, thì các cơ quan tư pháp lại chỉ khăng khăng tìm cách để buộc tội người đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân khi thảm họa xảy ra.
Trên trang cá nhân, bác sĩ Nguyễn Hồng Toản (Bệnh viện Bạch Mai) đã kêu gọi giải pháp giúp đỡ pháp lý cho các bác sĩ khi xảy ra sự cố y khoa. Đó cũng là nỗ lực để giúp đỡ cho các bệnh nhân, khi “hôm nay có một bệnh nhân đột quỵ có thể cứu được nếu trưởng phòng vật tư bệnh viện đồng ý với bác sĩ Trưởng khoa Điện quang can thiệp của bệnh viện tỉnh”.
“Giờ không ai muốn làm Hoàng Công Lương thứ 2, mà như thế thì vô tâm quá…“, anh viết. Hai chữ “vô tâm” bác sĩ tự trách mình, trách cho sự bất liêm chính của ngành tư pháp dồn bác sĩ vào tình cảnh lý trí chế ngự lương tâm.
Nguy hiểm, bất công… đó chỉ là hai trong số nhiều tính từ các bác sĩ nhận định về công việc mà mình và các đồng nghiệp đang làm. Nhưng khi đối diện với bất công, họ rất ít có năng lực phản kháng. Nói đúng hơn, lương tâm và đạo đức nghề nghiệp không cho phép họ phản kháng để đòi hỏi quyền lợi chính đáng như một người lao động. Cả về tình và lý, các nhân viên y tế đều không thể đình công, vì khi đó người chịu thiệt thòi lớn nhất lại là các bệnh nhân.
Hơn ai hết, những người làm trong ngành y biết là mình không có cách gì tuyệt đối tránh được các sai sót. Vì mỗi người chỉ có thể nỗ lực với kiến thức, kinh nghiệm hữu hạn hiện có, còn đối diện là với sinh mệnh mà chỉ tạo hóa mới nắm quyền quyết định. “Cứu người” có phải mỹ từ quá lớn mà dư luận đang khoác lên cho bác sĩ, bởi ai cũng hiểu dù cố gắng đến đâu, những nỗ lực cũng chỉ dừng ở việc “chữa bệnh”. Khi biến cố y khoa xảy ra, không phải chỉ có người bệnh chịu thiệt thòi mà nó cũng trở thành vết thương tâm lý đối với người thầy thuốc. Sự chịu đựng không phải đến từ nỗi đau thể xác, mà là sự tự dằn vặn, có khi nào mình đã có thể làm tốt hơn. Những ký ức ấy ám ảnh người bác sĩ suốt thời gian hàng chục năm, ngay cả khi mọi người xung quanh đã quên.
Từ chối điều trị người bệnh thì bác sĩ sẽ không phải đối diện với biến chứng y khoa nào. Nhưng từ chối điều trị người bệnh đồng nghĩa với việc không còn là bác sĩ nữa. “Điều mà bị cáo cũng như nhân viên y tế đau đớn nhất là không thể cứu sống tất cả bệnh nhân trong vụ thảm họa ngày 29/5/2017″, bác sĩ Lương nói trước tòa khi kết thúc 12 ngày phiên tòa sơ thẩm vào tháng 5/2018. Trong lời chia sẻ ấy, người bác sĩ vẫn đau đáu về thảm họa y khoa trong ca trực của mình. Anh không từ chối trách nhiệm của một người bác sĩ điều trị. Một năm sau ngày sự cố y khoa xảy ra, vị bác sĩ vẫn đau đớn vì không thể cứu được hết các bệnh nhân.
Mỗi một người đều có thể là một bác sĩ Lương ở ngày mai – nỗi sợ hãi và mất niềm tin ấy có thể đã và đang tràn ngập ngành y. Tình trạng các bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện công xin nghỉ việc đã không còn là điều hiếm gặp nữa. Trong số các bác sĩ xin nghỉ, có nhiều người có thâm niên lâu năm, có nhiều bác sĩ chuyên khoa I, một số đang giữ chức vụ trưởng hoặc phó khoa. Trong số đó cũng có những bác sĩ trẻ mới ra trường… Với bản án 42 tháng tù vừa tuyên đối với bác sĩ Lương, những bác sĩ hiện tại và các sinh viên y dược sắp trở thành bác sĩ trong tương lai đều có thể là tù nhân dự bị bởi một nền tư pháp thiếu lương tri.
Kiên định vào việc mình vô tội trong suốt thời gian gần 2 năm diễn biến vụ án không chỉ là việc tự bảo vệ của người bác sĩ. “Kính mong HĐXX tuyên bị cáo vô tội để có cơ hội tiếp tục khám chữa bệnh, để nhân viên y tế trên cả nước tin tưởng pháp luật và yên tâm công tác” – người bác sĩ ấy vẫn nghĩ cho người khác khi nhắc đến trách nhiệm của người làm trong ngành y, bởi hơn ai hết, anh hiểu áp lực mà các đồng nghiệp phải đối diện, những khổ đau mà bệnh nhân phải chịu đựng từng giờ.
Một lời công tâm tuyên vô tội – toàn ngành y Việt Nam sẽ được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi pháp quyền – điều vốn trở thành cán cân công lý ở nhiều xã hội văn minh khác. Không chỉ toàn bộ các nhân viên y tế, toàn xã hội cũng sẽ được giải thoát khỏi những án tử vô hình. Chi phí y tế gia tăng, số người tử vong do bị từ chối điều trị, số bác sĩ bỏ nghề, rời nước gia tăng, đạo đức xã hội xuống cấp khi y đức chấp nhận bị đánh đổi, ngành y sẽ không còn lương tâm, nơi thay vì tin tưởng ai cũng nhìn nhau như tử thù… một cuộc đổ vỡ như quân bài domino sẽ đến rất nhanh, nếu bác sĩ Lương phải đi tù.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa lương tri công lý đạo đức ngành y BS Hoàng Công Lương