Theo các thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%, trong đó số trẻ em thiếu nước sạch lên tới 17 triệu. Trong khi đó, có nguyên nhân khiến người dân không có nước dùng lại không phải do thiếu nước.

song o nhiem ha noi
Sông Tô Lịch – con sông chảy qua nội thành Hà Nôi nổi tiếng vì mức độ ô nhiễm, tháng 5/2023. (Ảnh: Xuyen Nguyen/Facebook)

’37 làng ung thư thì 10 làng nguồn nước ô nhiễm nặng’

Tại buổi thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên nước sửa đổi chiều 20/6, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân.

Tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%; đặc biệt, tỷ lệ này ở thành thị là 84,2%, trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.

Khoảng 52% trẻ em Việt Nam, tương đương với 17 triệu trẻ em, chưa được sử dụng nước sạch, theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Thiếu nước sạch và vệ sinh kém được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.

Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 37 làng ung thư, trong đó có đến 10 làng ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng (*). “Người dân có quyền được tiếp cận nước sạch và Chính phủ có trách nhiệm đối với nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đặc biệt đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, bà Xuân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, có trường hợp nước thì có nhưng người dân lại không có nước dùng, khi việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương được giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại, mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để dùng.

Bà Xuân cho biết cử tri kiến nghị Chính phủ giao thống nhất một đầu mối quản lý công tác cấp nước sạch cho người dân tại khoản 5 Điều 76 như sau: “Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý nhà nước về xây dựng, vận hành các công trình cấp nước, thoát nước đô thị và nông thôn bảo đảm các quy định về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước”.

Đồng thời, đại biểu kiến nghị quy định trách nhiệm của các công ty cấp nước sạch, nhất là bồi thường thiệt hại cho người dân tại Điều 28 và khoản 2 Điều 45 dự thảo luật. Bà Xuân dẫn chứng tại Phần Lan, việc ngừng cấp nước, các sự cố về nước và quản lý rủi ro về nước được xác định bằng cách tính tổng số thời gian ngừng cấp nước trong một năm. Nếu số thời gian ngừng cấp nước vượt quá 12 giờ trong năm, người sử dụng có thể yêu cầu đền bù chi phí cấp nước tối thiểu 2%.

“Tôi cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ giá nước sạch cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 23 mới quy định 6 chức năng của nguồn nước nhưng chủ yếu là chức năng cấp nước, vì vậy kiến nghị bổ sung 2 chức năng lớn của nguồn nước là trữ nước và thoát nước. Đồng thời, cần cụ thể hóa nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các chức năng này”, bà Xuân nói.

(*) 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất

  • Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội.
  • Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.
  • Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
  • Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
  • Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
  • Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  • Làng An Lộc, xã An Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
  • Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  • Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
  • Làng Mê Pu, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Nguồn: Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam”.

Để bảo vệ nước cần bảo vệ rừng, ngăn chặn nguồn gây suy thoái

Về giải thích thuật ngữ tại Điều 5, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) đề nghị làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” vì để phát triển tài nguyên nước cần bảo vệ phát triển tài nguyên rừng (nguồn sinh thủy), bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, cần xây dựng các công trình chứa nước đa mục tiêu… ngoài ra, phải có giải pháp gắn kết quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra, theo ông Dương, để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, chú trọng phòng ngừa, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, dự thảo luật đã có quy định từ Điều 23 đến Điều 35, quy định trách nhiệm của một số Bộ ngành, địa phương.

Tuy nhiên, việc quản lý tài nguyên nước là quản lý đa ngành, tổng hợp, có nhiều yếu tố, nguyên nhân dân tới việc suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước như: đô thị hóa, nước thải công nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Do đó, ông Dương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong liên quan tới việc bảo vệ phòng ngừa phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết so với luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo luật lần này có bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm để quản lý nguồn nước được hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong khoản 4 có quy định hành vi bị cấm là “lấp sông suối, kênh rạch” chưa rõ các hành vi bị cấm. Trên thực tế hiện nay, rất nhiều dòng song tuy chưa bị lấp nhưng bị người dân lấn chiếm phần diện tích ven sông rất nhiều bằng cách đổ vật liệu bồi đắp biến phần mặt nước sông thành diện tích đất để sử dụng.

“Hầu như những con sông có các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông đều rơi vào tình trạng bị lấn chiếm, nên tôi đề nghị cần quy định rõ hành vi bị cấm là: lấn chiếm, lấp sông suối, kênh rạch…”, bà Nga đề nghị.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 83 điều, phân thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.

Về phạm vi điều chỉnh, quy định tại dự thảo luật về cơ bản giữ nguyên như Luật 2012.

Theo đó, luật này quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Sau phiên thảo luận, các ý kiến góp ý được gửi tới cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Nguyễn Quân