Lao động thất nghiệp tăng, lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn
- Nguyễn Minh
- •
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng tình trạng lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc đã giảm nhiệt trong những tháng cuối năm 2023, song các địa phương bày tỏ tâm lý bi quan, cho rằng tình hình việc làm ảm đạm sang năm 2024.
- TP.HCM: Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng gần 10%
- Gần Tết, 1.250 công nhân có thể phải ngừng việc với lý do công ty tái cơ cấu
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 26/12, Bộ này công bố tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý 4/2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 3/2023 là khoảng 54.200 người, giảm 187.300 người so với quý trước.
Số lao động nghỉ dãn việc tập trung đa số tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 66,3% tổng số lao động nghỉ giãn việc, chủ yếu ở ngành da giày (chiếm 31,9%) và dệt may (chiếm 30,9%).
118.400 lao động bị mất việc trong quý 3/2023, giảm 99.400 người so với quý trước, vẫn theo quỹ đạo chung khi tập trung chủ yếu trong ngành dệt may, da giày. Số lao động bị mất việc tập trung nhiều nhất tại Bình Dương (khoảng 33.600 người) và TP.HCM (khoảng 34.600 người).
Về lao động xuất khẩu, ước tính cả năm có khoảng 155.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 29% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022. Hiện tại có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong quý 3/2023, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,9 triệu đồng, tăng 7,9% so với năm 2022. Tình hình quan hệ lao động cơ bản duy trì ổn định, số cuộc tranh chấp lao động, đình công giảm, không có biến động lớn về tính chất vụ việc (tính đến tháng 11/2023, cả nước xảy ra 22 cuộc đình công, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022) – theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tuy nhiên, thực tế tính đến đến ngày 30/11/2023, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.034.889 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022 (919.075 người), số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 955.058 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022 (909.089 người).
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có trên 668.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần.
Hiện theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 11/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 17,515 triệu người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,304 triệu người.
Báo cáo tại hội nghị, một số đại diện địa phương dự kiến tình trạng khó khăn về lao động, việc làm có thể tiếp diễn năm 2024. Đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết tới hết năm nay, toàn tỉnh có trên 1,2 triệu lao động, trong đó người ngoài tỉnh chiếm hơn 80%. Do khó khăn về đơn hàng, trong năm đã có trên 127.000 lao động bị mất việc, ngừng hoặc giảm việc, tập trung trong ngành may mặc, chế biến gỗ, da giày… Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mới lại không có nguồn để tuyển, do nhiều người lao động mất việc đã về quê. Tính tới hết tháng 11, Bình Dương có hơn 89.000 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 10% so với năm trước.
Tương tự, tại Long An, hơn 41.000 lao động bị ảnh hưởng giờ làm, trên 18.000 người bị ngừng việc, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, nhựa, in ấn…Tình trạng lao động bị giãn việc, mất việc tương tự tại TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai…
Lao động phi chính thức tăngTheo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người, tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%; lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 776.000 người so với 9 tháng năm 2022. Tuy nhiên Tổng cục Thống kê không cung cấp số lao động phi chính thức tính chung 9 tháng năm 2023. Tính riêng trong quý 3/2023, số lao động phi chính thức chiếm ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 3/2023 là 52,4 triệu người, tăng gần 100.000 người so với quý trước và hơn 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) là 33,4 triệu người, tăng 43.900 người so với quý trước và tăng 355.800 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý 3/2023 chiếm đến 65%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và không biến động so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt tỷ lệ này ở nữ giới tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tại hội nghị nêu trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng tỷ lệ lao động làm khu vực phi chính thức, nông – lâm – ngư nghiệp còn chiếm tới 65% lực lượng lao động là quá cao; lao động dừng tham gia và nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng rất “đáng báo động”. Ông Hà yêu cầu cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp giải quyết. |
Nguyễn Minh
Từ khóa Dòng sự kiện lao động thất nghiệp lao động phi chính thức trợ cấp thất nghiệp