Liên danh tư vấn đề xuất phần diện tích đường nằm ven sông và đê sông Hồng là không gian phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng như “thành phố nổi ven sông” với định hướng trở thành trục kinh doanh dịch vụ trung tâm của Thủ đô Hà Nội, không gian xây dựng nhà ở.

thanh pho noi ven song hong
Khu vực sông Hồng, TP. Hà Nội. (Ảnh: hanoionline.vn)

Một liên danh tư vấn lập gồm 7 đơn vị do trường Đại học Kinh tế Quốc dân đứng đầu vừa đưa ra ý tưởng đóng góp cho đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

6 đơn vị còn lại gồm: Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng); Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải); Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông); Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Về quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng, liên danh đề xuất tạo mặt bằng bãi theo hình ruộng bậc thang theo mực nước dâng. Vào mùa cạn sẽ sử dụng làm bãi đỗ xe, nơi hoạt động thể thao, kinh doanh dịch vụ và khi nước dâng trở thành dòng chảy.

Các cầu cạn được xây dựng chạy dọc theo mép sông, tạo thành mặt sàn bê tông dọc hai bên sông; phía ngoài cùng sát mép nước làm 2 tuyến đường chạy dọc mép nước hai bên sông.

Còn phần diện tích đường nằm ven sông và đê là không gian phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng như “thành phố nổi ven sông” với định hướng trở thành trục kinh doanh dịch vụ trung tâm của Thủ đô, không gian xây dựng nhà ở.

Tuyến đường cầu cạn chạy dọc hai bên sông Hồng sẽ là tuyến đường di sản phục vụ du lịch dịch vụ. Đây cũng là không gian để tổ chức các lễ hội văn hóa hàng tuần, gồm lần lượt các lễ hội văn hóa trên cả nước được tập hợp về đây để tái hiện lại các lễ hội văn hóa, quảng bá du lịch cho các địa phương.

Định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa đồng bộ với tiến trình phát triển không gian đô thị hai bên sông và gắn kết với chuỗi du lịch lịch sử dọc sông Hồng.

Về quy hoạch phát triển đô thị, liên danh tư vấn đề xuất cải tạo chỉnh trang các khu phố cũ, chung cư cũ theo hai mô hình. Thứ nhất là quy hoạch cải tạo tổng thể cả khu vực gồm chung cư cũ và nhà ở thấp tầng trong khu vực gắn với ga tàu điện ngầm theo mô hình đô thị TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng). Theo đó, thành phố cần hạ ngầm toàn bộ hoạt động kinh doanh buôn bán và dịch vụ trên mặt đất xuống “phố ngầm”. Trên mặt đất chỉ còn các công trình nhà cao tầng, đường giao thông công cộng và vườn hoa cây xanh.

Mô hình hai là quy hoạch các khu vực dân cư cũ ngoài vùng quy hoạch TOD, cách xa đầu mối giao thông, ga điện ngầm. Khu vực này được định hướng theo mô hình người dân tự điều chỉnh phân lô lại thửa đất theo các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị.

Ngoài ra, liên danh này cũng mang ý tưởng xây dựng thành phố khoa học, thành phố du lịch văn hóa và thành phố thu hút giới tinh hoa. Trong đó, Hòa Lạc là thành phố khoa học công nghệ, trục Láng – Hòa Lạc là trục đô thị khoa học công nghệ.

Sơn Tây – Ba Vì được quy hoạch trở thành thành phố du lịch – văn hóa với các di sản văn hóa như thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, khai thác tiềm năng sinh thái và khí hậu đặc thù rừng quốc gia Ba Vì để phát triển nghỉ dưỡng.

Khu vực phía Bắc được đề xuất xây dựng mô hình phố trong rừng để thu hút giới tinh hoa như “Beverly Hills” (thành phố nằm ở phía tây Los Angeles, California, Mỹ, nơi có nhiều người giàu ca sĩ, diễn viên nổi tiếng sinh sống), kèm theo cơ chế quản lý đồi rừng, trung tâm sẽ là Sóc Sơn…

Dự kiến, đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND TP. Hà Nội trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội trước khi xem xét, phê duyệt vào tháng 12.

Minh Long