Lo dịch bệnh kép, TP.HCM ban hành 2 văn bản khẩn
- Khánh Vy
- •
Lo ngại dịch bệnh kép, UBND TP.HCM vừa ra 2 văn bản khẩn liên quan bệnh Marburg và dịch sốt xuất huyết.
Ngày 31/3, ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã ký 2 văn bản khẩn đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg và chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm do vi rút Marburg (ở dơi, động vật linh trưởng). Bệnh có thể lây từ động vật sang người, rồi từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể hoặc với môi trường/vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc/chết do vi rút này.
Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu, khó chịu, sau đó có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, xuất huyết.
Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỉ lệ tử vong cao (từ 50 – 88%). Bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ.
Lưu ý, với những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch ở khu vực châu Phi thì phải cách ly 21 ngày.
Đồng thời, Sở Y tế cần phối hợp với các ngành liên quan triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện và cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Marburg theo đúng quy định Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Cùng với đó, Sở cần xây dựng kế hoạch để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra trên tại TP.HCM, không để bị động, sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp tiếp nhận, điều trị và phòng chống dịch.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, UBND TP.HCM cho biết trong 2 tháng đầu năm, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM tăng gấp 1,47 lần so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước tăng 2,3 lần). Với diễn tiến bệnh sốt xuất huyết hằng năm thì số ca mắc, tử vong có khả năng tăng cao trong thời gian tới.
UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế chủ động kiến nghị các giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khả thi và bền vững. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đầy đủ thuốc men, dịch truyền, vật tư, hóa chất cho việc phòng chống bệnh và điều trị bệnh nhân.
TP.HCM cũng yêu cầu UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức chỉ đạo các trung tâm y tế giám sát tình hình dịch bệnh từng địa phương, đồng thời, phát hiện và xử lý các ca bệnh, ổ dịch kịp thời, đúng kỹ thuật, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Những điều cần biết về virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyếtTheo CDC Mỹ, virus Marburg là một loại virus lây truyền từ động vật sang người, cùng với 6 loại virus Ebola tạo nên họ filovirus. Loại virus hiếm gặp này được xác định lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg, Đức và Belgrade. Khi đó, 31 người tiếp xúc với virus trong khi tiến hành nghiên cứu trên khỉ đã bị bệnh và 7 người đã chết. CDC cho biết dơi ăn quả châu Phi là vật chủ chứa virus. CDC cũng cho biết không có cách chữa trị hoặc điều trị cụ thể cho bệnh Marburg. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay “Chăm sóc hỗ trợ sớm với bù nước và điều trị triệu chứng giúp cải thiện khả năng sống sót”. Đồng thời, WHO cũng cho biết thêm rằng một loạt các liệu pháp điều trị bằng thuốc và liệu pháp máu điều trị bệnh đang được phát triển. Theo CDC, tỷ lệ tử vong do bệnh Marburg dao động từ 23% – 90%. Trong một đợt bùng phát năm 2004 ở Angola, virus Marburg đã gây tử vong 90% trong số 252 người mắc bệnh. Năm 2022, có 2 trường hợp tử vong do virus Marburg ghi nhận ở Ghana. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, số ca bệnh Marburg được báo cáo chính thức tại Guinea Xích đạo tính đến ngày 29/3 vẫn là 9 ca, với 7 ca tử vong tại 3 tỉnh. Tại Tanzania, số trường hợp ca nhiễm được xác nhận là 8 người, với 5 trường hợp tử vong. |
Khánh Vy
Từ khóa Dịch sốt xuất huyết UBND TP.HCM dịch bệnh Marburg