Trong cuộc sống nhiều khó khăn, lòng vị tha đến từ những con người nghèo khó sáng lấp lánh như hạt ngọc giữa đời. Nhưng xã hội này cần thực thi nhiều trách nhiệm hơn nữa, để hoàn cảnh sống của người nghèo thực sự được thay đổi, thay vì tới bước đường cùng chỉ có lòng vị tha giữa những người nghèo cho nhau trở thành nơi để bấu víu.

(Ảnh minh họa/qua shutterstock.com)
(Ảnh minh họa/qua shutterstock.com)

Ngày 23/9, cháu Hoàng (9 tuổi, Hà Nội) đang đạp xe thì đâm vào xích lô chở tôn của ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam) dừng bên đường. Góc miếng tôn cứa vào cổ cháu bé khiến cháu tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu. Ông Thạch bị công an tạm giữ hình sự vào sáng 24/9, đối diện án tù. Tới ngày 6/10, ông Thạch được tại ngoại sau 14 ngày giam giữ. Được biết, phía gia đình cháu bé bị nạn đã có đơn xin đề nghị miễn xử lý hình sự với người chở tôn.

Trước đó một năm, báo chí đưa tin về một gia đình bị hại đã ròng rã hơn 20 năm kêu oan cho bị cáo. Ông Trần Văn Điền (82 tuổi, quê Hà Nam) đi kêu oan cho hai người bị kết tội giết con mình. “Chúng tôi mong có thể tìm ra thủ phạm nhưng không vì thế mà làm oan người vô tội”, ông Điền nói. Ông bảo rằng là gia đình người bị hại, nên ông “không thể vô cảm trước những cảnh đời bị tù oan về tội giết người như ông Vót và ông Thanh ở Lý Nhân, Hà Nam…”.

Hai câu chuyện ấy mang lại niềm tin về tình người. Trong một bối cảnh mà bất bình xã hội đang ngày càng căng lên, lòng vị tha đến từ những con người bình dị nhen lên hy vọng về cuộc sống. Mới một tháng trước đây, sự bần cùng, sự rẻ rúng của thân phận con người đã bị đẩy lên tới tận cùng, đầy ám ảnh theo hình ảnh những thi thể người nghèo chết vì bệnh, được cuốn tạm trong manh chiếu, chòng chành buộc sau xe máy đưa về nhà. Nỗi lo về cuộc sống vẫn còn đó, khi còn nhiều người dân, vì thiếu được tiếp cận thông tin, vẫn im lặng mơ hồ trước những điều sai trái vốn khiến cho đời sống của họ trở nên khốn khó hơn. Đó là những đợt truy thu thuế, phí vét sạch cả một mùa lúa vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng quê, là gánh nặng nợ nần mà họ phải gánh từ hàng ngàn tỷ đồng bị tham nhũng, từ những ngôi trường bị đội vốn lên hàng trăm triệu mà con cái của họ vẫn thất học.

Trong cuốn “Hiểu nghèo thoát nghèo” (Nguyễn Lê Bảo Ngọc dịch, NXB Trẻ, 2015), hai tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo cho rằng, người nghèo không chỉ nghèo vật chất mà còn nghèo về thông tin thiết yếu. Ngoài ra, họ còn phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm… Còn tác giả của cuốn “Giới và Đói nghèo” (Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phát hành, 2012) cho hay: “Khi bất bình đẳng gia tăng thì đói nghèo tương đối cũng gia tăng”.

Có tờ báo đã đặt câu hỏi rằng: “Người nghèo thì nghèo gì?”. Lời đáp nào cho câu hỏi trên khi nhìn lại cảnh thân người chết bó chiếu mang về, là bức tâm thư tuyệt mệnh của người mẹ bất lực vì bệnh, tự tử lấy tiền phúng viếng cho con, hay những thân như ông Bình “còng”, thẫn thờ vì cái nghề cơ cực vẫn cố làm lúc về già lại gây nạn tang thương cho một gia đình.

Những con số tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm hàng năm, nhưng chúng được đo bằng thước đo là những công trình cơ sở hạ tầng “giảm nghèo bền vững” trị giá hàng ngàn tỷ đồng đầu tư, bằng thu nhập tăng lên mà thực tế không bao giờ theo kịp chi tiêu cho giáo dục, thuốc men, bằng tỷ lệ thất nghiệp giảm về phần trăm nhưng vẫn luôn cao ở con số cụ thể… Năm 2016, trong cuộc khảo sát thường niên Expat Insider dành cho giới nhân sự quốc tế cao cấp làm việc tại nước ngoài, vốn có mức sống cao gấp nhiều lần người dân bản địa, Việt Nam chỉ đứng thứ 42/67 quốc gia về chất lượng cuộc sống.

Nghèo đã không còn chỉ là vấn đề đơn chiều xét theo thu nhập. Nghèo đã trở thành một vấn đề đa chiều, bao hàm cả nghèo về vật chất, nghèo về xã hội và nghèo về con người. Theo nhà nghiên cứu PGS.TS. Đặng Nguyên Anh: “Về bản chất, đói nghèo đồng nghĩa với việc bị khước từ các quyền cơ bản của con người, bị đẩy sang lề xã hội chứ không chỉ là thu nhập thấp”. Bởi theo ông, “có nhiều nhu cầu tối thiểu không thể đáp ứng bằng tiền” (VASS, 13/11/2015).

Theo Liên Hợp Quốc, người nghèo sẽ càng nghèo hơn trong “sự thiếu hụt cơ hội, đi kèm với tình trạng suy dinh dưỡng, thất học, bệnh tật, bất hạnh và tuyệt vọng” (UN, 2012, theo VASS, 13/11/2015). Dù điều đó có khiến lòng vị tha trở nên quý giá hơn, thì cần nhìn vào thực tế rằng, lòng vị tha không phải là cánh cửa để giải quyết vấn đề. Lớn hơn việc xử phạt người lái xe xích lô gây tai nạn là yêu cầu cần quy hoạch giao thông thành phố. Lớn hơn nữa là việc cần có một thị trường cung cấp việc làm an toàn, bình đẳng cho người lao động. Những vụ án oan vẫn còn, nhưng giải pháp không phải ở những năm dài đằng đẵng người dân thưa kiện kêu oan. Chúng thuộc về ngành tư pháp với những cải cách mang dáng dấp của lương tri. Hơn nữa, cần một chế độ bảo hiểm toàn dân mà người dân có thể yên tâm với gói phục vụ và đơn thuốc áp dụng theo giá bảo hiểm mà có thể chữa lành bệnh .v.v…

Nếu những điều trên không được thực hiện, thì lòng vị tha không thể khiến chúng ta an lòng hay lạc quan. Vì lòng vị tha mang lại cho con người hy vọng về tình nhân ái. Nhưng chỉ khi những chính sách an sinh được thay đổi, xã hội trở nên ổn định hơn, cuộc sống của người nghèo được đảm bảo, thì những số phận như ông Thạch, như hai người mà ông Điền vẫn ròng rã đi kêu oan thay mới không còn nhiều nữa.

Lê Trai

Xem thêm: