Lũ trên sông Thao-Thương-Lục Nam vượt BĐ3; Hà Nội cảnh báo lũ lớn trên tất cả các tuyến sông
- Nguyễn Sơn
- •
Mực nước trên sông Thao vào sáng sớm ngày 10/9 đã vượt mốc lịch sử năm 1968 và 2008, trong khi lũ trên sông Cầu, sông Lục Nam, sông Lô, sông Thương đồng loạt trên dưới mức báo động 3.
ực nước trên sông Thao tại Lào Cai 86,18m, trên báo động (BĐ) 3 2,68m; tại Bảo Hà 61,81m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 0,88m; tại Yên Bái 35,22m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,8m;
Mực nước trên sông Cầu tại Đáp Cầu 6,06m, dưới BĐ3 0,24m; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,53m, trên BĐ3 0,23m (lúc 4h).
Mực nước trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,61m, trên BĐ3 0,31m; trên sông Lô tại Tuyên Quang 25,64m, dưới BĐ3 0,36m.
Theo tin dự báo, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Cảnh báo, tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng – Thái Bình, mực nước lũ hạ lưu duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng – Thái Bình.
Vào tối và khuya ngày 9/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã liên tiếp phát Lệnh báo động lũ trên sông Bùi và sông Cầu khi mực nước vượt mức BĐ3 (lần lượt vượt các mốc 7m, 8m).
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, mực nước sông Cầu tại Lương Phúc lúc 22h40 ngày 9/9 là 8,02m, vượt 0,02m so với mực nước BĐ3 (8m). Theo đó, cơ quan này đã phát Lệnh báo động 3 trên sông Cầu, lúc 22h40 tại các xã ven đê thuộc huyện Sóc Sơn.
Trước đó, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã phát Lệnh báo động 3 trên sông Bùi khuya ngày 9/9.
Tại thời điểm 17h ngày 9/9, mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt là 7m, bằng mức nước báo động 3 (7m). Lệnh Báo động 3 trên sông Bùi được phát cảnh báo tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Đêm 9/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.
Theo công điện khẩn, giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành trong thành phố bằng nhiều hình thức thông báo, cảnh báo tin lũ tới người dân.
Trực ban 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, cảnh báo mưa lũ, một mặt kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố khi có tình huống bất thường, một mặt liên lạc với các địa phương, đơn vị để chỉ đạo kịp thời.
Duy trì lực lượng ứng cứu nhanh, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra; kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, y tế để ứng cứu kịp thời.
Tại cấp cơ sở, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu cần nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông, kịp thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở, phòng ngừa rủi ro tính mạng.
Chiều 9/9, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có công điện lệnh giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy còn lại của hồ Tuyên Quang lúc 14h. Đây là lần đầu tiên Thủy điện Tuyên Quang mở tất cả 8 cửa xả đáy. Hồ thủy điện Tuyên Quang có tất cả 8 cửa xả đáy và 4 cửa xả mặt. Hạ du của Thủy điện Tuyên Quang là sông Gâm và sông Lô. Hệ thống này đổ ra sông Hồng tại ngã ba Bạch Hạc – giáp ranh các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và TP. Hà Nội. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu thủy điện Thác Bà mở cửa xả mặt thứ 3. Hồ thủy điện Hòa Bình cũng đang mở 2 cửa xả đáy, lần lượt từ ngày 4/9 và 8/9. Việc xả lũ từ cả 3 công trình nói trên đều có tác động đến mực nước sông Hồng. |
Nguyễn Sơn
Từ khóa Dòng sự kiện sông Cầu Siêu bão Yagi mưa lũ Hà Nội cảnh báo lũ trên sông Thao