Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc. Khoảng 13kg giun sống sẽ cho 1kg khô, bán khoảng 600.000 đồng.

giun dat
Hàng chục phên giun đất đã được sấy khô tại cơ sở chế biến giun tại xã Trung Trực (huyên Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). (Ảnh: baotuyenquang.com.vn)

Nạn kích điện giun đất xuất hiện nhiều từ năm 2019, sau đó lắng xuống. Khoảng một tháng gần đây, tình trạng này rộ lên ở Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Giang…

Máy kích giun gồm hai que nhọn nối với bình ắc quy điện công suất lớn, hoặc sử dụng pin. Khi cắm que sắt xuống đất, chỉ một phút sau giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.

Giun bắt về được loại bỏ nội tạng, sấy khô và bán cho những đầu mối đưa qua Trung Quốc. Khoảng 13kg giun sống sẽ cho 1kg khô, bán khoảng 600.000 đồng.

“Việc sử dụng kích điện để tận diệt giun đất sẽ như con dao chặt đứt chu trình cải tạo đất trong tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng như chất lượng đất sản xuất nông nghiệp”, TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp, nói, theo báo Vnexpress.

may kich giun dat
Công an xã Hang Kia (huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã kiểm tra, phát hiện 3 phụ nữ kích điện giun đất để bán. (Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Tại huyện Cao Phong, Hòa Bình – là vùng trồng cam nổi tiếng, việc kích điện giun khiến đất không tơi xốp, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây cam. Nhiều cây vàng lá do hỏng rễ, không thể phục hồi xanh tốt như ban đầu.

Tương tự, tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nơi có gần 30.000 ha cây ăn quả các loại, cũng bị tình trạng nhiều người sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun trong vườn cây ăn quả và cả trên đồng ruộng, làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết đã có công văn gửi một số địa phương yêu cầu “rà soát, báo cáo tình trạng kích giun đất.”

Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định những hành vi hủy hoại đất, nhưng “kích điện giun đất chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài xử phạt”.

GS Đỗ Kim Chung, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng “cơ quan chức năng cần nghiêm cấm kích giun, thậm chí phải xem đây là loại tội phạm hủy hoại môi trường”.

Phạm Toàn