Mỗi xã, phường, đặc khu sẽ có một trung tâm hành chính công sau sáp nhập
- Minh Long
- •
Sau sáp nhập, mỗi xã, phường, đặc khu sẽ có một trung tâm hành chính công, cùng mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7/2025, theo Bộ Nội vụ.
- Sau sáp nhập, mỗi xã dự kiến có 30-60 cán bộ công an
- Phú Yên đề xuất hỗ trợ ăn ở, đi lại cho 1.300 cán bộ sau sáp nhập tỉnh

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, các đơn vị hành chính cấp xã mới sẽ bao gồm xã, phường và đặc khu.
Theo Bộ Nội vụ, đặc khu là chính quyền địa phương cấp xã với cơ cấu tổ chức gồm HĐND và UBND. HĐND cấp xã sẽ thành lập hai ban: Ban Pháp chế và Ban Kinh tế – Xã hội.
Dự kiến, cả nước sẽ có 13 đặc khu, gồm: Phú Quốc, Thổ Châu, Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn và Côn Đảo.
Mỗi xã, phường và đặc khu sau sáp nhập sẽ có một trung tâm hành chính công. Trung tâm này có nhiệm vụ đề xuất, giúp UBND cấp xã xây dựng chính quyền điện tử, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tiếp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan nhà nước trung ương tổ chức theo ngành dọc tại tỉnh hoặc khu vực để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Bộ Nội vụ cho biết UBND cấp xã, bao gồm đặc khu tại hải đảo, tổ chức tối đa bốn phòng chuyên môn phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo. Các phòng gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); Phòng Văn hóa – Xã hội; và Trung tâm phục vụ hành chính công.
Với các xã giữ nguyên trạng, không tổ chức phòng chuyên môn, Chính phủ dự kiến bố trí thêm một Phó Chủ tịch UBND và một số công chức, do chính quyền cấp tỉnh quyết định cụ thể.
Với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã), từ 1/7/2025, đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động sau khi Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.
Cùng với đó, sáp nhập cấp xã sẽ giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay (cả nước có 10.035 cấp xã). Từ 1/8/2025, việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ chấm dứt. Bộ Nội vụ đang phối hợp với các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ về chế độ, chính sách cho nhóm này.
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết việc tổ chức trung tâm hành chính công là đề xuất ban đầu. Các cơ quan đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã, quy định cụ thể các chỉ số như quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ theo từng lĩnh vực. Bộ Nội vụ tiếp tục lấy ý kiến địa phương để chọn mô hình phù hợp, đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính.
Từ năm 2025, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, gồm 23 tỉnh, thành mới hợp nhất từ 52 tỉnh, thành hiện nay và 11 tỉnh giữ nguyên.
Theo Công văn 03/CV-BCĐ năm 2025, cơ cấu tổ chức chính quyền cấp xã sẽ tinh gọn, tăng tính kiêm nhiệm. Mỗi đơn vị hành chính cấp xã có một Chủ tịch HĐND (kiêm nhiệm), một Phó Chủ tịch HĐND (chuyên trách), và hai ban (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế – Xã hội) với Trưởng ban kiêm nhiệm, Phó Trưởng ban chuyên trách. UBND cấp xã có một Chủ tịch (chuyên trách) và tối đa hai Phó Chủ tịch, trong đó một người kiêm nhiệm Chánh Văn phòng HĐND và UBND, một người kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã không quá 40 người.
Từ khóa Bộ Nội vụ sáp nhập xã Sáp nhập tỉnh đặc khu
