Phú Yên đề xuất hỗ trợ ăn ở, đi lại cho 1.300 cán bộ sau sáp nhập tỉnh
- Minh Long
- •
Theo nghị quyết số 60-NQ/TW, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên hợp nhất, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk.
- Thanh tra Đắk Lắk yêu cầu thu hồi hơn 12,3 tỷ đồng phụ cấp chi sai cho giáo viên
- 255 trụ sở dôi dư khi sáp nhập Cần Thơ với Hậu Giang, Sóc Trăng

Sở Tài chính Phú Yên dự kiến sau sáp nhập, tổng số cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu đi từ TP. Tuy Hòa (trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên hiện tại) đến TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và ngược lại là khoảng 1.300 người (không bao gồm các đơn vị lực lượng vũ trang).
Tuy nhiên, hiện số lượng xe công vụ của tỉnh Phú Yên không đủ để phục vụ nhu cầu đi lại của 1.300 cán bộ, công chức, viên chức.
Từ đó, Sở Tài chính Phú Yên dự kiến chi phí đi lại một người là 1,6 triệu đồng/tháng (trường hợp không sử dụng phương tiện chung do tỉnh bố trí thì được hỗ trợ bằng tiền mặt).
Đối với cán bộ, công chức, viên chức không được bố trí nhà ở công vụ thì được nhận chi phí hỗ trợ chỗ ở một người 3 triệu đồng/tháng.
Cũng theo Sở Tài chính Phú Yên, do Trung ương chưa quy định nội dung, chính sách, mức hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp, sáp nhập, nên Sở đề xuất hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh này làm việc tại tỉnh Đắk Lắk theo hai mức.
Cụ thể, mức hỗ trợ khoảng 50% mức phụ cấp lưu trú theo quy định tại Thông tư số 12/2025/TT-BTC ngày 19/3/2025 của Bộ Tài chính – tương đương khoảng 3,3 triệu đồng/người/tháng.
Hỗ trợ mức phụ cấp bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), theo quy định tại Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, ngày 1/7/2011 của Ban Tổ chức Trung ương.
Nguồn kinh phí để thực hiện hỗ trợ như nêu trên sẽ lấy từ ngân sách địa phương năm 2025 và ngân sách Trung ương.
Thời gian hỗ trợ là 3 năm đầu kể từ khi hợp nhất tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk chính thức có hiệu lực.
Đến năm thứ 4 sẽ cân đối theo khả năng ngân sách tỉnh để quy định mức hỗ trợ phù hợp.
140 trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp được đề xuất giữ lại
Sở Tài chính Phú Yên cho hay số cơ sở nhà, đất đã thực hiện kiểm tra hiện trạng là 1.775 (số cơ sở nhà, đất đã phê duyệt phương án xử lý là 1.766 cơ sở nhà, đất) – trong đó có 2 cơ sở của cơ quan Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng; 13 cơ sở của Khối doanh nghiệp.
Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cấp tỉnh hiện có 196 cơ sở và 2 cơ sở đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành các thủ tục bàn giao. Tổng số trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cấp huyện là 986 cơ sở, còn cấp xã là 115 cơ sở.
Sở Tài chính Phú Yên đề xuất giữ lại 140 trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp để sử dụng sau sáp nhập tỉnh. Do sau khi sáp nhập tỉnh, trung tâm hành chính của tỉnh mới không đặt tại Phú Yên, do đó toàn bộ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cấp tỉnh sẽ không sử dụng. Từ đó, số trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động còn lại sẽ không có nhu cầu sử dụng.
Theo Sở Tài chính Phú Yên, phương án xử lý các cơ sở này sẽ căn cứ vào quy hoạch phát triển của tỉnh để xử lý, đề xuất chuyển giao cho địa phương quản lý, xử lý để thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Từ khóa Phú Yên tỉnh Đắk Lắk Sáp nhập tỉnh
