Trong năm 2024, tổng số tiền phải thi hành án dân sự là trên 500.000 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 228.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Số tiền có điều kiện thu hồi chỉ chiếm 45,6%.

bo truong bo tu phap
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. (Ảnh: moj.gov.vn)

Sáng 26/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2024.

Theo báo cáo, đối với công tác thi hành án dân sự năm 2024, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về thi hành án đân sự.

Trên cơ sở rà soát, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thi hành; phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183-QĐ/TW ngày 18/9/2024 về cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Ngoài ra, Tổ công tác chỉ đạo việc xây dựng, trình Bộ Chính trị về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện một số bản án.

Trong kỳ, Bộ Tư pháp đã xây dựng và ban hành 6 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền và một số quy trình, quy chế nội bộ theo Kế hoạch công tác.

Về kết quả thi hành án dân sự, tổng số việc phải thi hành là 1.023.131 việc, có điều kiện thi hành là 741.240 việc. Đã thi hành xong 621.568 việc (tỷ lệ 83,86%), tăng 45.901 việc so với năm 2023.

Tổng số tiền phải thi hành là trên 500.000 tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 228.000 tỷ đồng. Đã thi hành xong trên 117.000 tỷ đồng (tỷ lệ 51,46%), tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023.

Đáng chú ý, đã thi hành xong 6.252 việc, thu được hơn 30.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng; đã thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22.000 tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng…

Theo Bộ trưởng Ninh, việc xử lý vật chứng, tài sản để thi hành án trong một số vụ việc còn chậm; một số vụ việc thi hành án tham nhũng, kinh tế có số lượng đương sự lớn, tài sản phải xử lý nhiều, ở nhiều địa phương khác nhau, tính chất pháp lý phức tạp làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn, trong khi đó nguồn nhân lực để thực hiện không đủ, dẫn đến quá tải. Hiện số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về thi hành án dân sự còn tồn nhiều.

Năm 2023, theo báo cáo của Bộ Tư pháp hồi tháng 12/2023, với hơn 575.000 việc, số tiền thi hành án dân sự thu được là trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế (tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022).

Nguyễn Quân