Tổng Thanh tra Chính phủ: Khó thu hồi tài sản tham nhũng do ‘tội phạm không có tài sản’
- Nguyễn Quân
- •
Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay một trong những nguyên nhân khiến hạn chế thu hồi tài sản tham nhũng là do số tiền thu hồi lớn song tội phạm không có tài sản hoặc tài sản giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu.
- Thu hồi tài sản tham nhũng năm 2021 chỉ được 6%: Trở ngại vì dịch bệnh?
- Thu hồi tài sản tham nhũng: ‘Biết hết nhưng không “đụng” vào được’
Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi các đoàn đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long, TP.HCM, Chính phủ cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tham nhũng; đồng thời quy định khung hình phạt nặng hơn; hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn triệt để việc tẩu tán tài sản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.
Ngoài ra, cử tri các tỉnh kiến nghị cần biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, đặc biệt là thu nhập của cán bộ không tương xứng với tài sản hiện có của họ. Chính phủ được đề nghị giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức; ngăn chặn ngay khi phát hiện có tài sản không minh bạch, không để những cán bộ vi phạm phân tán tài sản cho người nhà.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Thanh tra Chính phủ cho hay thu hồi tài sản tham nhũng là “vấn đề lớn trong khắc phục hậu quả các vụ án tham nhũng”. Các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của người phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả.
Thanh tra Chính phủ đánh giá kết quả thu hồi tài sản “năm sau cao hơn năm trước”.
Mặc dù vậy, cơ quan này thừa nhận thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là “một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng”. Nguyên nhân chủ yếu là do “số tiền phải thu hồi rất lớn, song người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài nên tài sản bị tẩu tán, che giấu…”
Ngoài ra, nguyên nhân khác là các vướng mắc về cơ chế, thế chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn…
Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập?
Đưa ra giải pháp để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho hay sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, xử lý dứt điểm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng; nâng cao tính trung thực trong kê biên tài sản.
“Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường)” – Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Trong giao dịch thì đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.
Đáng lưu ý, Thanh tra Chính phủ cho hay hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và quyết định phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định “đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng”. Hiện cơ quan này đang xây dựng kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia này trong phạm vi cả nước.
Từ khóa ông Đoàn Hồng Phong Tổng thanh tra Chính phủ thu hồi tài sản tham nhũng