Người dân tố cáo UBND huyện làm lây lan dịch COVID-19, tỉnh từ chối thụ lý
- Nguyễn Quân
- •
Một người dân ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đâm đơn tố cáo chính quyền huyện tập trung cưỡng chế phá nhà làm lây dịch COVID-19 cho cả gia đình (5 người) và nhiều người khác trong ấp. Chính quyền tỉnh từ chối với lý do không đủ điều kiện thụ lý.
Người gửi đơn tố cáo là bà Trần Thị Tươi (ngụ tại ấp 12 A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Trong đơn tố cáo gửi UBND tỉnh Cà Mau, bà Tươi tố cáo lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời cố tình chống lại chỉ thị của cấp trên về phòng dịch COVID-19, tập trung quá đông người để tiến hành cưỡng chế , làm lây lan dịch bệnh cho gia đình bà (5 người) và lây lan dịch bệnh cho nhiều người khác. Bà Tươi đề nghị UBND huyện Trần Văn Thời đền bù tổn thất về tinh thần, sức khỏe và kinh tế do dịch bệnh gây ra cho gia đình bà, theo báo Thanh Niên ngày 15/2/2022.
Theo bài phản ánh “Cà Mau: Tiềm ẩn ổ dịch COVID nguy hiểm từ một cuộc “cưỡng chế” trên Tạp chí Kinh Tế Nông Thôn ngày (hiện đã bị gỡ trên trang), cuộc cưỡng chế tháo nhà bà Tươi diễn ra vào ngày 22/11/2021, “là thời điểm dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp”.
Bài đăng cho hay “trước khi bị cưỡng chế, gia đình bà Tươi đã có Đơn đề nghị tạm hoãn cưỡng chế vì gia đình thông báo không có nơi tá túc nào khác ngoài chính căn nhà nói trên”, nhưng không được chấp thuận. Buổi cưỡng chế thu hút rất đông người dân địa phương hiếu kỳ lại xem, nhiều người không đeo khẩu trang, tập trung đông đúc. Còn các cán bộ trong đoàn cưỡng chế cũng không đảm bảo giãn cách, tập trung thành từng tốp đông đúc.
Sau đó, cả 5 người trong gia đình bà Tươi được xác định dương tính COVID-19. Ngoài ra, tại ấp 12 A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời đã phát hiện thêm nhiều F0. Sau khi bị đưa đi cách ly điều trị, gia đình bà Tươi phải sống trong lều dựng tạm cạnh đống đổ nát do cưỡng chế tháo dỡ nhà giữa bối cảnh dịch bệnh.
Cho rằng việc tiến hành cưỡng chế là nguyên nhân dẫn đến việc bản thân và gia đình bị nhiễm bệnh, bà Tươi đã đơn tố cáo lãnh đạo huyện Trần Văn Thời đã làm lây lan dịch bệnh.
Tạp chí Kinh tế Nông thôn cho biết tại thời điểm trên, tạp chí này đã liên hệ với UBND huyện Trần Văn Thời, xin được cung cấp thông tin chi tiết về tình hình dịch bệnh của ấp 12 A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, thế nhưng UBND huyện này im lặng, không có thông tin phản hồi.
Ngày 15/2/2022, báo Thanh Niên đưa tin Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau thông báo không thụ lý đơn khiếu nại của bà Tươi. Về lý do không thụ lý, Văn phòng UBND tỉnh dẫn kết luận của Thanh tra tỉnh xác định “những thông tin và hồ sơ của người tố cáo cung cấp không thỏa mãn điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018”.
Điểm d khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật”.
Trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, đặc biệt từ đợt thứ 3 và thứ 4, chính quyền một số tỉnh thành đã khởi tố, kết án nhiều cá nhân về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.
Một số vụ việc gây chú ý như Dương Tấn Hậu (SN 1992, nam tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines) bị TAND TP.HCM kết án 2 năm tù treo với cáo buộc liên quan đến đợt dịch bùng phát hồi tháng 11/2020 tại TP.HCM; ông Lê Văn Trí (SN 1993, làm thuê tại chợ đầu mối Bình Điền ở quận 8, TP HCM) bị TAND tỉnh Cà Mau kết án 5 năm tù, phạt 20 triệu đồng khi làm lây bệnh cho 19 người (1 người tử vong) tại tỉnh này hồi tháng 7/2021; tháng 11/2021, TAND huyện Trần Văn Thời tuyên phạt công nhân Lâm Minh Hiệp (SN 1994) 12 tháng tù do giấu mình là F1 vì lo sợ cách ly tập trung dễ bị lây nhiễm chéo…
Với vụ khởi tố Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM, ngày 30/1/2022, Cơ quan CSĐT Quận Gò Vấp thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với hai mục sư là ông Phương Văn Tân và bà Võ Xuân Lan.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Cưỡng chế tháo dỡ nhà ở lây lan dịch COVID-19 Cà Mau đơn tố cáo