Khoảng 2,2 triệu ‘lưu dân’ tháo chạy khỏi phong tỏa trong dịch COVID-19
- Nguyễn Minh
- •
Gần ngày cuối cùng trong năm 2021, Việt Nam công bố tổng cộng 2,2 triệu người đã tháo chạy về quê khỏi các tỉnh thành phong tỏa trong dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tăng gần 1 triệu người so với con số công bố tính đến ngày 15/9.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam) cho biết theo kết quả tổng hợp nhanh từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, truyền thông nhà nước đưa tin vào ngày 29/12.
Trong đó, nữ giới chiếm 37,5% (839.500 người), người từ 15 tuổi trở lên chiếm đến 70,9% (gần 1,6 triệu người).
Con số do cơ quan này công bố trước đó tính đến thời điểm 15/9 là khoảng 1,3 triệu người, với 36% là nữ và 72% là những người từ 15 tuổi trở lên.
Trong khoảng 2,2 triệu người “tháo chạy”, số người về từ Hà Nội là 447.100 người; từ TP.HCM là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.
Tổng cục Thống kê cho biết các Sở LĐ-TB&XH cho biết đã có sự dịch chuyển trở lại lao động về các trung tâm kinh tế lớn. Nhưng theo ghi nhận của Tổng cục này, đó chỉ là sự dịch chuyển với các doanh nghiệp lớn, tình hình vẫn chưa được cải thiện với các doanh nghiệp nhỏ. Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) nhận định: “Sự di chuyển trở lại phụ thuộc vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, chính sách an sinh, hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương. Cần có thời gian bởi các lao động đang nghe ngóng khi họ đã trở về quê và yên ổn”, theo VTV.
Theo thống kê chung, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 4, có đến 24,7 triệu người bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, 2,3 triệu người bị mất việc làm; 12,4 triệu triệu người tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm; 16,9 triệu người bị giảm thu nhập…
Lao động trong khu vực công nghiệp – xây dựng giảm hơn 250.300 người so với năm trước, xuống mức 16,3 triệu người. Khu vực dịch vụ giảm 800.000 người so với năm trước, xuống mức 18,6 triệu người. Duy nhất khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 33.200 lao động, lên mức 14,2 triệu người.
Tính chung trong năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam ước tính là 3,22% (quý I là 2,42%; quý II là 2,62%; quý III là 3,98%; quý IV là 3,56%). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,1% (quý I/2021 là 2,20%; quý II là 2,60%; quý III là 4,46%; quý IV là 3,37%). Trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.
Mất việc, giảm giờ làm… khiến thu nhập người làm công ăn lương năm 2021 giảm 0,7% so với năm 2020, giảm nhiều nhất trong ngành dịch vụ, lưu trú, ăn uống. Ước tính thu nhập bình quân một người/tháng năm 2021 theo giá hiện hành vào khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73.000 đồng so với năm 2020; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.
Nguyễn Minh
Xem thêm:
Từ khóa dịch bệnh tác động đến kinh tế phong tỏa kinh tế khủng hoảng di dân Lao động nhập cư