Người từ vùng dịch COVID-19 về 5 tỉnh được nhận hỗ trợ 300.000 đồng/người
- Nguyễn Sơn
- •
Tổng mức hỗ trợ chi cho người dân dân từ vùng dịch COVID-19 trở về là 8 tỷ đồng, hiện mới áp dụng cho 5 tỉnh, gồm Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Định.
Theo tin từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 13/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – bà Trương Thị Ngọc Ánh đã ký quyết định phân bổ 8 tỷ đồng để hỗ trợ người dân từ vùng dịch trở về các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Định.
Trong đó, tỉnh Sóc Trăng nhận 2 tỷ đồng, tỉnh An Giang 2 tỷ đồng, tỉnh Đồng Tháp 1 tỷ đồng, tỉnh Kiên Giang 2 tỷ đồng, tỉnh Bình Định 1 tỷ đồng.
Người được nhận tiền hỗ trợ là người dân trở về quê từ các vùng dịch COVID-19, gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Long An, gặp khó khăn và phải cách ly y tế, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho người thuộc tộc người thiểu số, trẻ mồ côi, người già neo đơn do dịch COVID-19.
Mức hỗ trợ là 300.000 đồng/người, thời gian người dân trở về quê được hỗ trợ là từ ngày 1/10/2021 trở về sau.
Đối với các tỉnh thành tự cân đối được nguồn kinh phí, Trung ương chưa xem xét hỗ trợ đợt này. Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các tỉnh thành này chi từ nguồn kinh phí vận động được cho công tác phòng ngừa COVID-19 của địa phương để hỗ trợ cho người dân trở về quê từ vùng dịch, mức hỗ trợ bằng với mức hỗ trợ của Trung ương.
Tại cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2021 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 12/10, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết tính đến ngày 15/9, có khoảng 1,3 triệu lao động đã rời các trung tâm công nghiệp để về quê, từ tổng hợp báo cáo của các địa phương.
Trong 1,3 triệu lưu dân nói trên, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho hay có 34% là người đang làm việc, 38% không có việc làm, số còn lại là không có nhu cầu làm việc do e ngại rủi ro dịch bệnh.
Mặc dù vậy, theo báo cáo công bố ngày 8/10 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người tự về quê chủ yếu đi bằng xe máy, xe đạp, đi bộ, khoảng cách di chuyển lớn, đi qua nhiều tỉnh thành phố; các cơ sở cách ly của một số địa phương không đảm bảo tiếp nhận hết người trở về quê; nguồn lực phòng chống dịch, nhu yếu phẩm còn thiếu, không đủ đáp ứng theo thực tiễn…; tại một số địa phương, người tự về quê phải tự chi trả kinh phí xét nghiệm, cách ly, ăn ở, đi lại…; trong khi người trở về chủ yếu là lao động tự do, sinh viên, người đi chữa bệnh nên không có kinh phí để chi trả.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh lân cận: Đồng Nai chưa cho phép xe cá nhân lưu thông
Từ khóa tự phát về quê lưu dân