Nguy cơ lớn từ ổ dịch Cẩm Giàng (Hải Dương)
- Nguyễn Quân
- •
Xác định dịch có nguy cơ lan rộng ra toàn tỉnh từ ổ dịch Cẩm Giàng (Hải Dương), giới hữu trách tỉnh Hải Dương thông báo khẩn không để công nhân tại huyện Cẩm Giàng đến làm việc. Toàn bộ nhân viên, người lao động tại các nhà máy, phân xưởng tại huyện Cẩm Giàng bắt buộc phải xét nghiệm xác định virus Vũ Hán (nCoV) mới được quay trở lại làm việc.
Tối 13/2, Tỉnh ủy Hải Dương ra văn bản hỏa tốc thông báo về nguy cơ bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) trên toàn tỉnh, xuất phát từ khu vực huyện Cẩm Giàng.
“Sau mấy ngày nghỉ Tết, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang có diễn biến phức tạp; vừa qua đã xuất hiện một số ca dương tính mới trên địa bàn một số huyện, thành phố có liên quan đến các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng; dịch có nguy cơ bùng phát trên địa bàn toàn tỉnh.” – theo nội dung thông báo.
Do đó, giới hữu trách tỉnh Hải Dương thông báo sau khi hết thời gian nghỉ Tết, chỉ cho phép công nhân thường trú và đang tạm trú tại huyện Cẩm Giàng tới công ty làm việc. Việc này áp dụng đối với toàn bộ các doanh nghiệp tại huyện Cẩm Giàng, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp (tính cả khu công nghiệp Đại An mở rộng).
Những công nhân được quay lại công ty phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đang thường trú, tạm trú; và sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus Vũ Hán (nCoV) ngay khi đến nhà máy, phân xưởng.
Những người có kết quả xét nghiệm âm tính mới được làm việc; khi hết giờ làm việc, các công nhân không được di chuyển ra khỏi nơi cư trú. Nhà máy, phân xưởng nào có công nhân có kết quả dương tính sẽ phải dừng sản xuất.
Những công nhân làm việc tại huyện Cẩm Giàng nhưng đang cư trú ở ngoài huyện Cẩm Giàng thì phải cách ly tại nhà và toàn bộ các thành viên trong gia đình phải lấy mẫu xét nghiệm (mẫu gộp).
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Đại An (phường Tứ Minh, TP Hải Dương) và các doanh nghiệp ngoài huyện Cẩm Giàng không cho phép công nhân tại huyện Cẩm Giàng đến làm việc.
Bắt đầu từ 8h30 sáng 13/2 (mùng 2 Tết), tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm đối với 1008 người tại Công ty UMC (lấy mẫu 500 người); Công ty Best Pacific (lấy mẫu 500 người); Công ty xăng dầu Đại An (lấy mẫu 8 người).
Theo đó, quyết định trên đã có thay đổi khi nhóm công nhân làm việc tại huyện Cẩm Giàng được đẩy lên xét nghiệm ngay, bao gồm cả xét nghiệm đơn và xét nghiệm gộp. Trước đó một ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Lương Văn Cầu ngày 12/2 đã ra quyết định mở rộng xét nghiệm COVID-19 đối với 4 nhóm có nguy cơ lớn nhiễm bệnh trong tỉnh, từ ngày 12-17/2.
Tổng 36.200 người thuộc 4 nhóm gồm:
Nhóm 1, bao gồm người có triệu chứng viêm phổi nặng nghi ngờ nhiễm nCoV; ca dương tính đang được điều trị; ca bệnh đã được chữa khỏi và xuất viện, đang được theo dõi tiếp 14 ngày; nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ không có triệu chứng và tiếp xúc gần với ca dương tính trong vòng 14 ngày mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp; người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 đầu tiên trong các cơ sở tập trung; người khám bệnh hoặc nhập viện có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng; người mới vào và trước khi rời khu cách ly tập trung 1 ngày, đặc biệt trong ổ dịch Cẩm Giàng, Chí Linh, TP Hải Dương, Kinh Môn, Nam Sách, Kim Thành và các địa phương khác. Đây là nhóm được ưu tiên xét nghiệm trong mọi trường hợp, khoảng 6.600 mẫu.
Nhóm 2, những người khám hoặc nhập viện có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng, viêm phổi nặng nghi do nhiễm virus; bệnh nhân trên 60 tuổi có bệnh nền lẫn triệu chứng liên quan Covid-19; nhân viên phòng chống dịch; nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện có ca nhiễm nCoV tăng nhanh; một số ca nghi ngờ đầu tiên ở vùng chưa có ca bệnh khẳng định. Nhóm này được lấy mẫu ngay để xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, dự kiến 1.600 mẫu.
Nhóm 3, công nhân các Khu công nghiệp ở Hải Dương trước khi trở lại làm việc sau Tết, trước mắt tập trung tại huyện Cẩm Giàng. Do số lượng lớn, nhóm này sẽ được lấy mẫu gộp, tối đa 16 người, xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Đây là nhóm dự kiến có số lượng mẫu lớn nhất, khoảng 27.000 người.
Nhóm 4, những người giám sát cộng đồng có nguy cơ cao, người yếu thế. Khoảng 1.000 người nhóm này sẽ được lấy mẫu gộp, xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.
Hiện với đợt dịch bùng phát tính từ ngày 28/1, tỉnh Hải Dương đang có số ca bệnh nhiều nhất trên cả nước. Tính đến 15h ngày 13/2, tỉnh này công bố có 430 người mắc viêm phổi Vũ Hán, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Hải Dương. Các ca nhiễm xuất hiện tại 10/12 huyện, thị xã, thành phố. Hiện Hải Dương chỉ còn huyện Gia Lộc và huyện Thanh Miện chưa có ca bệnh. Trong ba ổ dịch lớn tại TP Chí Linh, huyện Kinh Môn và huyện Cẩm Giàng, 2 ổ dịch Chí Linh, Kinh Môn được thông báo đã khống chế được cơ bản, còn ổ dịch tại huyện Cẩm Giàng đang diễn biến phức tạp. Chiều 13/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu người đi từ huyện Cẩm Giàng trở về phải lập tức khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm; ngoài ra những người sống cùng nhà cũng phải được giám sát và lấy mẫu xét nghiệm. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Mục đích ĐCSTQ tuyên truyền thực phẩm nhập khẩu mang theo virus
Từ khóa COVID-19 virus corona Việt Nam ổ dịch Hải Dương ổ dịch Cẩm Giàng