Bên cạnh nguồn ngân sách chi cho bảo tồn di sản văn hóa, Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa sẽ tiếp nhận nguồn viện trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản.

nha nuoc giu vai tro chu dao trong viec bao ve di san van hoa cac dan toc thieu so
Một căn nhà truyền thống của tộc người thiểu số tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trong khu bảo tồn, tháng 5/2023. (Ảnh: Yustika Muharastri/Shutterstock)

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Theo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) – gồm 9 Chương, 95 Điều – mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.

Luật ưu tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, các dân tộc thiểu số rất ít người và những di sản văn hóa có giá trị toàn cộng đồng, xã hội.

Luật quy định bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích và tính nguyên gốc của di sản tư liệu; lồng ghép việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, vùng, địa phương…

Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, Luật nêu rõ Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong bảo đảm và phát triển hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nhà nước cũng giữ vai trò chủ đạo huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc.

Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh hoặc công nhận; bảo vệ và phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới và hải đảo, đặc biệt ưu tiên bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một giá trị văn hóa tộc người; bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử – văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác, UBND cấp tỉnh trong việc thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Lấn chiếm, hủy hoại đất di tích cũng là hủy hoại di sản

Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước CHXHCN Việt Nam.

Luật áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người Việt Nam định cư ở Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cộng đồng và người nước ngoài định cư, hoạt động ở Việt Nam; người Việt Nam định cư, hoạt động ở nước ngoài liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Các hành vi xâm phạm di sản văn hóa bị nghiêm cấm tại Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm:

Chiếm đoạt di sản văn hóa; làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành di tích, nội dung và giá trị của di tích, di sản tư liệu;

Phổ biến, thực hành sai lệch nội dung di sản văn hóa phi vật thể hoặc đưa những yếu tố không phù hợp làm giảm giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể;

Xâm hại, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa và cảnh quan văn hóa của di tích;

Khai thác, sử dụng di sản văn hóa làm xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc;

Công nhận, trao tặng các danh hiệu liên quan đến di sản văn hóa trái quy định của pháp luật; mua bán, sưu tầm, kinh doanh, trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp;

Lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa trên cơ sở Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), vừa được Quốc hội khóa 15 biểu quyết thông qua vào chiều 23/11. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Luật quy định Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ.

Theo quy định, Quỹ được chi cho các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; thực hiện các công trình, hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có giá trị của Việt Nam để bổ sung cho các sưu tập của bảo tàng, di tích.

Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ này. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Quỹ có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa có nhiều ý kiến trái chiều, giữa ủng hộ, đề nghị cân nhắc xem có cần thiết hay không.

“Dù quỹ này không phải ngân sách Nhà nước nhưng huy động toàn dân cũng là nguồn lực của xã hội. Vấn đề cần suy nghĩ xem có cần thiết hay không” – đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) nêu tại phiên thảo luận chiều 23/10.

Theo ông Hòa, hiện nay chúng ta thành lập rất nhiều quỹ. Quốc hội giám sát các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng đã khẳng định hoạt động không hiệu quả. “Nhưng tôi để ý từ Khóa 14 đến nay, đã có ý kiến như vậy rồi song các cơ quan trình dự thảo luật phần lớn đều có đề nghị thành lập quỹ và được Quốc hội chấp nhận. Như vậy, chúng ta không giảm quỹ mà lại tăng quỹ ngoài ngân sách Nhà nước…”, ông Hòa nhận định.

Nguyễn Quân