Nhận bồi thường oan sai 2,3 tỷ phải đưa 900 triệu tiền “thuốc nước”: Bộ Tư pháp nói gì?
- Nguyễn Sơn
- •
Sau 44 năm bị khởi tố oan sai, gia đình ông Mưu Quý Sường (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) được trả hơn 2,35 tỷ đồng bồi thường, nhưng phải trả tới 900 triệu đồng cho người hỗ trợ pháp lý.
Truyền thông trong nước vừa đưa tin về một vụ oan sai và bồi thường oan sai nhiều khuất tất vừa xảy ra tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ hồ sơ vụ án cho hay ngày 2/11/1977, ông Mưu Quý Sường (Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nội Thành; nay là xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) phát hiện vợ là bà Hoàng Thị Múi bị ngã xuống suối tử vong nên đưa về nhà lo hậu sự.
Đám tang chưa kịp diễn ra thì ông Sường bị Công an huyện Lục Ngạn – Ty Công an Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội “Giết người”. Vụ án sau đó được chuyển đến Ty Công an Hà Bắc để điều tra.
Sau biến cố lớn, hai người con còn nhỏ của ông Sường theo người thân sang Trung Quốc sinh sống. 11 năm sau, ông Sường được thả ra không rõ lý do.
Ông Sường đã làm đơn kêu oan gửi đến nhiều cơ quan chức năng xin cứu xét. Ngày 11/12/2013, ông Sường mất do đau ốm khi vẫn chưa được minh oan. Bà Vi Thị Cú (người vợ sau của ông Sường) tiếp tục hành trình kêu oan cho chồng.
Cuối năm 2017, Công an tỉnh Bắc Giang quyết định đình chỉ vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can với ông Sường về tội “Giết người” do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm. Tháng 1/2018, Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai gia đình ông Sường tại trụ sở UBND xã Trù Hựu.
Mới đây nhất, theo phản ánh từ gia đình ông Sường, Công an tỉnh Bắc Giang vừa hoàn tất việc trả bồi thường hơn 2,35 tỷ đồng. Nhưng ngay sau khi nhận đủ số tiền bồi thường, họ phải lập tức đưa 900 triệu đồng tiền mặt cho người đại diện pháp lý của gia đình.
Theo thông tin từ gia đình ông Sường, sau nhiều năm theo đuổi việc kêu oan cho ông Sường nhưng không có kết quả, đến tháng 8/2016, khi hay tin một công ty luật tại Hà Nội đã giúp kêu oan thành công cho một gia đình ở tỉnh Bắc Ninh, gia đình đã tới công ty này tìm kiếm sự giúp đỡ.
Một lãnh đạo công ty luật này (không phải luật sư) đã nhận làm đại diện, thay mặt gia đình tiến hành các thủ tục pháp lý và làm việc với cơ quan liên quan để kêu oan, đồng thời yêu cầu bồi thường oan sai.
Mặc dù phải trả số tiền “thuốc nước” bằng 40% số tiền bồi thường oan sai, đại diện gia đình ông Sường cho biết sẽ không khiếu nại việc này, dù “trước đó, 2 bên chỉ nói miệng với nhau về tiền thuốc nước. Sau khi được Công an tỉnh Bắc Giang trả tiền bồi thường thì hai bên mới ký hợp đồng thỏa thuận, không phải ký từ đầu”, theo báo Dân Trí.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 2/4, khi báo giới đặt câu hỏi về sự việc trên, bà Nguyễn Thị Mai – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ tư pháp cho biết đã nắm được thông tin cách đây vài ngày và đang nghiên cứu vụ việc để có hướng xử lý.
Một số vấn đề thắc mắc được bà Mai nêu ra như: lãnh đạo công ty luật ở Hà Nội này có phải luật sư hay không?, người này liên hệ làm việc với gia đình ông Sường với tư cách cá nhân hay đại diện công ty luật?
Theo bà Mai, có hai trường hợp. Nếu họ liên hệ với tư cách cá nhân mà không phải luật sư thì xử lý theo pháp luật dân sự. Nếu là luật sư và đòi thù lao 900 triệu đồng thì sẽ xét theo Luật Luật sư và văn bản pháp lý và điều chỉnh bởi đạo đức nghề nghiệp.
Trong Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và ứng xử của luật sư do Liên đoàn Luật sư ban hành, điều 8, 9 quy định rõ luật sư phải có trách nhiệm thông báo cho khách hàng về mức thù lao và điều đó phải được thể hiện trong dịch vụ hợp đồng pháp lý. Cạnh đó, luật sư không được nhận hoặc đòi hỏi khách hàng những khoản khác ngoài khoản thù lao đã thoả thuận.
“Nhân đây, chúng tôi rất muốn khuyến cáo người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư thì nên có hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản, trong đó một trong những điều khoản rất quan trọng về thu lao, để tránh tình trạng có tranh chấp hoặc phải trả mức thù lao , chi phí quá cao”, bà Mai nói.
Án oan gần 30 năm: Đành nhận bồi thường 5,7 tỷ đồng để ‘chấm dứt vụ án’
Tháng 7/2019, anh Trần Văn Sáu – con trai ông Trần Văn Thêm (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) gửi đơn tố cáo về việc bố mình bị chiếm đoạt tiền bồi thường oan sai. Theo sự việc, ông Thêm bị bắt năm 1970, bị tuyên án tử hình về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; năm 1975, thủ phạm thật bị bắt, một năm sau ông Thêm được thả về. Từ năm 1997, ông Thêm nhiều lần gửi đơn đề nghị xem xét lại vụ án và yêu cầu bồi thường. Đến tháng 8/2016, tòa án xin lỗi công khai ông Thêm, trả bồi thường 6,7 tỷ đồng sau 46 năm mang tiếng oan sai. Nhưng theo đơn tố cáo của anh Sáu, ông Nguyễn Văn Hoà, Phó Giám đốc Công ty Luật Hoà Lợi – người được ủy quyền nhận bồi thường do TAND Cấp cao tại Hà Nội trả, đã chỉ đưa ông Thêm 6 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 500 triệu đồng (tổng cộng 3 tỷ đồng). Trên đường từ nhà ông Hoà (huyện Thạch Thất, Hà Nội) trở về nhà, anh Trần Văn Được (cháu họ ông Thêm) đã xin ông Thêm 1 sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng. Nên, khi về đến nhà, ông Thêm chỉ còn 4 sổ tiết kiệm tổng trị giá 2 tỷ đồng và 100 triệu tiền mặt. Tháng 9/2019, Công an huyện Yên Phong, Bắc Ninh kết luận không khởi tố vụ án hình sự vụ việc kiện đòi tiền bồi thường oan sai của ông Trần Văn Thêm. Theo kết luận công bố, ông Thêm đã tự nguyện trả cho ông Hòa và anh Được lần lượt 40% và 20% giá trị bồi thường nên hai người này không có hành vi chiếm đoạt tiền của ông Thêm, do đó, cơ quan điều tra không đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự. |
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Việt Nam liệu ‘không có án oan sai’ như lời Chánh án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp?
Từ khóa bồi thường oan sai án oan sai Bắc Giang