Đầu năm 2021, Nhật Bản cấp thêm 2,9 triệu USD giúp Ủy hội sông Mekong (MRC) thực hiện việc giám sát và dự báo sự thay đổi mực nước sông Mekong. Đây là khoản viện trợ nối tiếp sau khoản viện trợ 3,9 triệu USD do Đại sứ Nhật Bản trao trước đó gần một năm. 

song mekong 1
Một phụ nữ bán hàng trên dòng sông Cửu Long, hạ lưu sông Mekong, ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ, tháng 1/2020. (Ảnh: LocHuynh/Shutterstock)

“Khoản vốn mới sẽ giúp MRC cung cấp các dịch vụ giám sát và dự báo sông chính xác và hiệu quả hơn cho công chúng và các nước thành viên”, ông Keizo Takewaka, Đại sứ Nhật Bản tại CHDCND Lào, cho biết tại lễ ký ngày 26/2.

Trong khi đó, TS An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC, cho biết: “Khoản  tiền tài trợ mới này sẽ được cấp thẳng cho những thách thức trọng tâm mà khu vực của chúng ta đang phải đối mặt và sẽ phải đối mặt trong tương lai”

Số tiền này sẽ được giải ngân trong giai đoạn 2021-2024, giúp MRC và các nước thành viên gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan tăng cường khả năng giám sát và đánh giá môi trường sông Mekong, cũng như thích ứng với các thay đổi thực tế.

Các hoạt động chính được tài trợ bao gồm cải thiện mạng lưới giám sát sông và khả năng dự báo, cũng như thiết lập các trạm quan trắc mới trên sông Mekong. Khoản tài trợ cũng sẽ được đầu tư vào các công nghệ tiên tiến để cải thiện việc cung cấp thông tin về lũ lụt và hạn hán, đảm bảo cộng đồng và chính quyền địa phương nhận được thông tin kịp thời để thực hiện các biện pháp giảm thiểu phù hợp.

Tháng 3/2020, Nhật Bản đã cấp khoản viện trợ 412 triệu Yên của Chính phủ Nhật Bản (tương đương 3,9 triệu USD) để giúp MRC triển khai các hoạt động theo dõi, giám sát và dự báo tình hình hạn hán và lũ lụt của sông Mekong, dự tính sử dụng trong 4 năm từ năm 2020-2023.

Theo MRC, Nhật Bản là một trong những đối tác phát triển truyền thống của MRC. Nước này đã đóng góp tổng cộng 21 triệu USD cho MRC kể từ năm 2001 để hỗ trợ quản lý thiên tai, thủy lợi, biến đổi khí hậu và điều tiết môi trường dọc sông Mekong.

Mỹ: Trung Quốc cần tôn trọng cam kết chia sẻ dữ liệu về sông Mekong

Được coi là con sông dài thứ 12 trên thế giới, sông Mekong dài khoảng 4.350 km, bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc và chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.

Theo MRC, sông Mekong và các phụ lưu đang cung cấp sinh kế, an ninh lương thực và hệ sinh thái phong phú cho  gần 70 triệu người sinh sống trong lưu vực sông Mekong.

Tuy nhiên, theo đuổi các mục tiêu kinh tế và địa chính trị, khoảng 28 đập thủy điện đã được chính phủ các quốc gia xây dựng trên dòng chính và phụ lưu sông Mekong, riêng Trung Quốc sở hữu đến 11 đập thủy điện ở thượng lưu.

Theo Reuters ngày 13/4/2020, ảnh hưởng của 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi nhưng Trung Quốc chưa bao giờ công bố ghi chép chi tiết về lượng nước mà các con đập này giữ lại. Theo đánh giá của Eyes on Earth, trữ lượng các hồ chứa của Trung Quốc có thể hơn 47 tỷ m3.

Gần đây, MRC ngày 12/2 ra thông cáo cho biết mực nước sông Mekong đã giảm xuống mức “đáng lo ngại”. Việc suy giảm lượng nước được quy “do lượng mưa thấp hơn, dòng chảy thay đổi ở thượng nguồn, hoạt động thủy điện trên các nhánh sông Mekong và hạn chế dòng chảy từ đập thủy điện Cảnh Hồng”.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Việt Nam) ngày 25/2 cho biết Trung Quốc từng thông báo hạn chế dòng chảy từ đập Cảnh Hồng xuống mức 1.000 m³/s từ ngày 5-24/1 (mức trung bình khoảng 1.400 m³/s). Nhưng hiện đã ngày 25/2, nước xả ra từ đập thủy điện này vẫn duy trì ở mức 1.000 m³/s.

Theo dữ liệu của MRC, việc xả nước của đập Cảnh Hồng ngày 11/2 thậm chí xuống 775 m3/s, giảm gần 50% so với mức trung bình 1.400 m3/s hồi tháng 12/2020.

Vĩnh Long

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/van-hoa/tren-ban-co-song-mekong-nhung-con-dap-thuy-dien-va-ty-nan-moi-sinh.html