NXB Giáo dục Việt Nam: 2 năm ký 13 QĐ bổ nhiệm lãnh đạo không đúng thẩm quyền…
- Phạm Toàn
- •
Bỏ vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng nhiều công ty liên tiếp không có cổ tức trong 2 năm; thoái vốn chậm tại 31 công ty; tự động ký duyệt, bổ nhiệm không đúng thẩm quyển; tự động bán 3 lô đất ở Đà Nẵng với giá trị hơn 42,5 tỷ đồng… là những sai phạm nghiêm trọng tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa được công bố.
Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa kết luận thanh tra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục Việt Nam).
Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, thời gian vừa qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã để xảy ra hàng loạt sai phạm về tổ chức cán bộ, tài chính, quyết định nhiều nội dung và ban hành nhiều văn bản không đúng thẩm quyền…
Sai phạm trong quản lý tài chính, nhiều công ty con hoạt động thua lỗ
Theo kết luận Thanh tra, mặc dù thương hiệu của NXB Giáo dục Việt Nam là tài sản vô hình có giá trị lớn nhưng NXB Giáo dục Việt Nam chưa có Quy chế quản lý thương hiệu chung, chưa có thỏa thuận liên kết, quy chế hoạt động chung trong các công ty thành viên theo đúng quy định.
Các văn bản về công tác quản lý tài chính chưa được ban hành đầy đủ; chưa xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn; kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của công ty mẹ – công ty con; xây dựng kinh doanh trong năm 2015, 2016 còn chậm.
Chưa xây dựng đầy đủ tiêu chí phân bổ các khoản chi phí chung cho từng mảng hoạt động; chưa kịp thời đánh giá hàng tồn kho để đảm bảo việc sử dụng vốn hiệu quả; chưa xây dựng phương án huy động nguồn tài chính để giảm bớt rủi ro cho thanh toán các khoản nợ phải trả của đơn vị.
NXB Giáo dục Việt Nam đã đầu tư dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh, đầu tư vốn vào nhiều công ty nhưng không hiệu quả, nhiều công ty liên tiếp không có cổ tức trong 2 năm; thoái vốn chậm tại 31 công ty, có một số công ty con được đầu tư nhưng hoạt động thua lỗ liên tiếp; bị xử phạt vi phạm hành chính về việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2015, NXB Giáo dục Việt Nam có vốn đầu tư tại 54 công ty với tổng giá trị đầu tư 548,4 tỷ đồng. Trong đó, 36/54 công ty có chi trả cổ tức cho NXB Giáo dục Việt Nam, có 18/54 công ty hoạt động không hiệu quả, không có cổ tức để chi trả (tổng số vốn đầu tư của NXB Giáo dục Việt Nam tại 18/54 công ty không có cổ tức là 192,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35% tổng số vốn đầu tư của NXB Giáo dục Việt Nam tại các công ty).
Tại thời điểm 31/12/2016, NXB Giáo dục Việt Nam có vốn đầu tư tại 52 công ty với tổng giá trị đầu tư 546,5 tỷ đồng. Trong đó, 35/52 công ty chi trả cổ tức cho NXB Giáo dục Việt Nam, có 17/52 công ty không chi trả cổ tức (tổng số vốn đầu tư của NXB Giáo dục Việt Nam tại 17 công ty không trả cổ tức là 178,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32,6% trên tổng số vốn đầu tư của NXB Giáo dục Việt Nam tại các công ty).
Bên cạnh đó, năm 2015-2016 khi thực hiện Đề án tái cơ cấu, NXB Giáo dục Việt Nam đã tăng vốn cao hơn mức được phê duyệt theo Quyết định số 5700 tại: Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (mức vốn được phê duyệt là 16,6 tỷ nhưng đã tăng 20 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội (mức vốn được phê duyệt là 6,3 tỷ nhưng đã tăng 7,188 tỷ đồng). Công ty Cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông phải giữ nguyên vốn góp 5,1 tỷ đồng thì lại được tăng thêm 4,712 tỷ đồng.
Hai công ty có mức tăng vốn thấp hơn mức tăng vốn được phê duyệt theo Quyết định số 5700 là Công ty Cổ phần sách giáo dục Hà Nội (phê duyệt tăng 30,8 tỷ nhưng chỉ tăng 17,1 tỷ); Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (phê duyệt tăng 19 tỷ nhưng chỉ tăng 5,13 tỷ).
Công ty Cổ phần Sách thiết bị trường học Tiền Giang phải thực hiện việc thoái vốn nhưng lại được NXB Giáo dục Việt Nam quyết định tăng vốn 0,274 tỷ đồng.
Ký nhiều quyết định, văn bản không đúng thẩm quyền
Hoạt động của NXB Giáo dục Việt Nam chưa tách bạch giữa Hội đồng thành viên (HĐTV) và Tổng giám đốc. Ông Mạc Văn Thiện trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐTV đã kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và ủy viên HĐQT tại ba công ty thành viên; điều này vi phạm Luật Doanh nghiệp.
Trong thời gian tại chức, ông Thiện đã ký nhiều văn bản không đúng thẩm quyền, thủ tục. Qua kiểm tra 21 hồ sơ bổ nhiệm tại NXB Giáo dục Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, từ tháng 1/2015 đến tháng 12/2016, có 13 quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo tại Công ty mẹ NXB Giáo dục Việt Nam do Chủ tịch HĐTV ký không đúng thẩm quyền.
Ngoài ra, ông Thiện ký 9 quyết định bổ nhiệm thuộc thẩm quyền nhưng không trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc.
Bên cạnh đó, việc ký quyết định bổ nhiệm tại các công ty thành viên cũng không đúng đối tượng và thẩm quyền quy định; ký quyết định công nhận hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán trưởng của các công ty thành viên không đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Quyết định số 170; ký thông báo về việc nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu đối với ông Phạm Văn Hồng, ký văn bản về việc phát hành sách giáo khoa song ngữ Việt – Anh và yêu cầu việc bán 3 lô đất tại Đà Nẵng không đúng thẩm quyền.
NXB Giáo dục Việt Nam đã tuyển dụng 10 người sai quy định; ký 47 hợp đồng khoán gọn và 22 hợp đồng lao động chưa đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ luật Lao động.
Trong khi NXB Giáo dục Việt Nam chưa có văn bản quy định việc kéo dài thời gian công tác để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, đơn vị này đã thực hiện kéo dài thời gian công tác cho 12 người trong năm 2015, 2016 chưa theo quy định tại Nghị định số 5/2015 của Chính phủ.
NXB Giáo dục cho thuê, sử dụng tài sản không đúng mục đích
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc NXB Giáo dục Việt Nam cho thuê cơ sở tại 81 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với đơn giá cho thuê 2,5 tỷ đồng/tháng, thời hạn thuê đến ngày 31/3/2020 là sai phạm nghiêm trọng.
Cơ sở tại số 62 Hạ Long (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được Bộ GD&ĐT điều chuyển từ Công đoàn giáo dục Việt Nam và giao NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng làm trại viết sách phục vụ ngành giáo dục. Thế nhưng, NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM lại cho Công ty Cổ phần Bất động sản CT Group thuê sử dụng làm khu nghỉ dưỡng với giá 4.000 USD/tháng, thời gian cho thuê 30 năm (đến năm 2041).
Cũng theo kết luận của Thanh tra về Công ty Đầu tư tài chính Thiên Hóa (Công ty Thiên Hóa) được thành lập năm 2009, có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 15/11/2011, Đại hội cổ đông bất thường của Công ty Thiên Hóa đã thống nhất giải thể Công ty.
Tuy nhiên, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư 13,709 tỷ đồng vào Công ty này thông qua việc mua cổ phần của các cá nhân (trong đó có nhiều cổ phần của cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam). Bên cạnh việc đầu tư, NXB Giáo dục Việt Nam cũng vay của chính Công ty Thiên Hóa hơn 133 tỷ đồng với lãi xuất 15%/năm.
Bên cạnh đó, ông Mạc Văn Thiện – Chủ tịch HĐTV còn yêu cầu Công ty Đầu tư tài chính giáo dục (công ty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam Việt Nam) và các đơn vị khác bán 3 lô đất ở Đà Nẵng với giá trị hơn 42,5 tỷ đồng.
Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận trách nhiệm chính thuộc về ông Ngô Trần Ái – Nguyên Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam; ông Mạc Văn Thiện – Nguyên Chủ tịch HĐTV; ông Vũ Văn Hùng – Nguyên Tổng giám đốc.
Thanh tra Bộ kiến nghị NXB Giáo dục Việt Nam khắc phục hậu quả, rà soát lại toàn bộ những vấn đề sai phạm trên, đồng thời chấn chỉnh quản lý chấm dứt việc thực hiện các công việc trong quản lý, điều hành trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống lãng phí trong quản lý sử dụng vốn, các quỹ và tài sản trong doanh nghiệp theo quy định.
Các thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Kế toán trưởng trong giai đoạn từ 1/1/2015 đến 31/12/2016 kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến thiếu sót, sai phạm nêu trong Kết luận thanh tra.
Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý đối với các thiếu sót, sai phạm về tổ chức, cán bộ, quản lý tài chính, quản lý tài sản.
Yêu cầu hoàn thành việc kiểm điểm trách nhiệm trước ngày 15/9/2017 và báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra trước ngày 31/10/2017.
NXB Giáo dục Việt Nam được thành lập ngày 1/6/1957, là doanh nghiệp nhà nước do Bộ GD&ĐT nắm giữ 100% vốn điều lệ; được thí điểm chuyển sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con theo Quyết định số 102 ngày 21/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3961 ngày 28/7/2003 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; được chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu từ ngày 6/7/2010 theo Quyết định số 2749 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. NXB Giáo dục Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in và phát hành các loại sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trong cả nước; đồng thời giúp Bộ GD&ĐT tư vấn công tác thiết bị giáo dục và thư viện trường học. NXB Giáo dục Việt Nam cũng được đánh giá doanh nghiệp xếp loại A. |
Phạm Toàn
Xem thêm:
Từ khóa bổ nhiệm NXB Giáo dục Việt Nam sách giáo khoa thanh tra