Phá đê Âu Cơ (Hà Nội): ‘Nếu có sự cố thì thiệt hại khôn lường’
- Hoàng Minh
- •
Về việc phá đê Âu Cơ (Hà Nội) để mở rộng đường nhằm giảm ùn tắc giao thông, theo chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy, nếu lặp lại trận lụt lịch sử năm 1971, Hà Nội sẽ thiệt hại khôn lường.
“Hà Nội đang phá dỡ 600m đường đê Âu Cơ, thuộc ngã ba Nghi Tàm – Xuân Diệu (quận Tây Hồ)“, truyền thông trong nước vừa đồng loạt đưa tin.
Đoạn đê bị phá bỏ nằm trong dự án mở rộng đường Âu Cơ (từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân), công trình phê duyệt bổ sung giai đoạn 2 của dự án “Xây cầu vượt tại nút giao An Dương – đường Thanh Niên”, theo Tiền phong.
Dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại khu vực, theo Dân trí.
“Việc phá dỡ này là bắt buộc”, báo VNExpress dẫn lời ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội.
Về vấn đề này, chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy đã viết trên trang Facebook cá nhân như sau:
“Vậy là Hà Nội đã phá đi con đê Âu Cơ vốn có tuổi đời cùng với lịch sử trị thủy Sông Hồng từ thời nhà Lý (tháng 03/1108 bắt đầu khởi công).
Ngày xưa thân đê bằng đất và sau này được gia cố bằng ốp gạch và bê tông để bảo vệ thân đê. Nếu quan tâm đến lịch sử phòng chống thiên tai, mọi người sẽ biết Hà Nội từng bị vỡ đê sông Hồng gây ngập lụt năm 1971. Đây là trận lụt được xếp hạng là một trong số 10 trận lụt lớn nhất hành tinh với số người chết ước khoảng 100.000 người ở Hà Nội và đồng bằng Sông Hồng.
Nhắc thế để nhớ rằng việc trị thủy để chống giặc lũ không được lơ là và phải kế thừa các công trình, kinh nghiệm từ cha ông để lại.
Trên thế giới chưa có quốc gia nào phá đê cũ để xây tường bê tông thay thế thân đê cả.
Vấn đề là ở nguyên lý giữ cho mặt đê thoáng, rộng nhằm dễ vận hành khi có sự cố: chẳng hạn đắp đê cao hơn, phá một phần đê để cứu một vùng lũ khác,..vvv. Bây giờ lấy lý do tắc đường mà thu hẹp thân đê, thậm chí phá đê cũ và hạ cốt cao trình đê thì tôi không hiểu được.
Sau khi các đập thủy điện lớn Sơn La và Hòa Bình hình thành thì việc cắt lũ chủ động hơn. Nhưng nên nhớ rằng các công trình thủy điện có tuổi thọ dưới 100 năm, còn thân đê phải được tồn tại hàng ngàn năm, thậm chí vĩnh viễn. Thêm các vấn đề nữa là mưa cực đoan, vận hành liên hồ đập sẽ có thể gặp sự cố phải xả đáy như năm 2017 thì nguy cơ lặp lại lụt lịch sử như năm 1971 là không phải không xảy ra. Nếu có sự cố thì thiệt hại khôn lường vì Hà Nội bây giờ là Hà Nội có 8 triệu dân”.
Tốn bao nhiêu công xây giờ lại phá
Việc phá 600m đê Âu Cơ cũng đồng thời sẽ phải phá hủy hết 600m “con đường gốm sứ”. Các đoạn tranh gốm có chủ đề “mùa xuân”, “phố cổ”, “Hà Nội xưa và nay”… bị đập bỏ toàn bộ.
“Lúc xây thì rầm rộ này nọ, quảng bá này kia. Giờ phá bỏ không chút thương tiếc”, Facebook Trịnh Thị Phương bày tỏ.
Facebook tên Phương Mai viết: “Tiếc bao nhiêu công sức của các nghệ nhân. Tốn bao nhiêu tiền của giờ lại phá”.
Facebook Trân Trân bày tỏ: “Hà Nội nghìn năm văn vở, công sức của bao nhiêu nghệ nhân phá huỷ trong phút chốc, quy hoạch kiểu xây lên đập đi thế này chắc tầm nhìn phải xa lắm”.
“Con đường gốm sứ” tổng chiều dài 6km, diện tích khoảng gần 7000 m2, từ đầu đường Trần Khánh Dư đến hết Nghi Tàm với mức kinh phí 65 tỷ đồng. Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy – Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội là người trực tiếp tham gia thiết kế con đường. Dự án được khởi công từ 10/2007 và xong ngày 5/10/2010. Tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới. |
Người trong cuộc nói gì?
Báo Lao động hôm 7/6 dẫn lời họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết, việc phải tháo dỡ một đoạn đường gốm khiến mọi người rất tiếc nuối.
Bà Thủy mong muốn sau khi mở rộng đường hoàn thiện, Hà Nội có thể cấp kinh phí xây dựng lại đoạn tranh gốm đã bị phá.
“Việc phá dỡ đoạn tranh gần 600m đang ảnh hưởng đến kỷ lục. Tôi sẽ phải báo cáo con số này đến kỷ lục với lời hứa là sẽ xin làm đền bù lại, thậm chí chúng tôi sẽ tạo nên kỷ lục mới với 1.000m, chắc chắn Hà Nội sẽ phá vỡ kỷ lục cũ” – bà Thủy nói.
Hình ảnh 600m đê Âu Cơ sẽ phá dỡ cùng hiện trạng con đường gốm sứ
Hoàng Minh
Từ khóa Hà Nội phá đê Âu Cơ