Phá rừng ở vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang
- Nguyễn Quân
- •
6.436 m2 rừng tại núi Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thuộc lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà quản lý bị tàn phá.
Sau khi người dân phản ánh và báo chí tiếp cận, vụ phá rừng trên núi Langbiang mới được chính quyền địa phương cho lực lượng chức năng kiểm tra, báo cáo tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại đây.
Theo xác định của UBND huyện Lạc Dương, vụ phá rừng xảy ra tại lô a2 và lô a3, khoảnh 14, tiểu khu 112B (thuộc địa bàn thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà quản lý. Khu vực này nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang.
Tổng diện tích rừng bị phá là 6.436 m2. 129 cây thông 3 lá, nhóm IV bị cắt hạ và ken gốc. Tổng khối lượng và trữ lượng lâm sản thiệt hại còn sót lại tại hiện trường là 45,804m3.
Phần rừng bị phá là rừng phòng hộ. Theo xác định của Đoàn kiểm tra, rừng thông bị cắt hạ, ken gốc từ năm 2016 đến nay.
Theo người dân địa phương, việc tàn phá, đầu độc rừng thông ở dãy núi Langbiang chủ yếu để lấn chiếm đất làm rẫy hoặc chuyển nhượng kiếm lời, với mức giá khoảng 200 – 250 triệu/1.000m2, giao dịch qua giấy viết tay. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm qua. Một người dân buôn Đan Kia (thị trấn Lạc Dương) cho hay tiếng cưa máy gầm suốt đêm, dù nhà cách rừng cả cây số vẫn nghe rất rõ.
Tại hiện trường ngày 28/5, hàng chục gốc thông mới bị cưa hạ, lá và gốc còn tươi, ứa nhựa. Nhiều gốc thông có đường kính lên tới 50-60cm. Nhiều cây thông khác, lá đã chuyển sang màu vàng, héo khô, chết dần do bị ken gốc, đổ thuốc độc. Có điểm thân cây thông được xẻ ván ngay tại chỗ, cành và thân cây bị đốt phi tang.
Tại những vị trí rừng bị phá có dây kẽm gai được giăng theo hướng lên đỉnh núi Lang Biang để phân chia ranh giới.
Hiện vụ việc được giao Công an huyện Lạc Dương phối hợp Hạt Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Kiểm lâm huyện Lạc Dương… tiến hành khám nghiệm hiện trường, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.
Từ khóa Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang Phá rừng Lâm Đồng rừng thông Lâm Đồng