Ngày 22/7, tờ Philippine Daily Inquirer đưa tin, Philippines và Việt Nam đang đàm phán việc tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của lực lượng bảo vệ bờ biển vào tháng 8.

Vo Van Thuong
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (bên phải) và cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Hà Nội, Việt Nam ngày 30/1/2024. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Vào thời điểm này, hai nước đang tìm cách giải quyết các yêu sách chủ quyền chồng chéo, trong khi đối phó với các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo nguồn tin ngoại giao được Philippine Daily Inquirer trích dẫn, từ ngày 5/8 – 9/8, một tàu 2.400 tấn của Cảnh sát biển Việt Nam sẽ thăm hữu nghị Manila, và tiến hành một loạt cuộc thảo luận với Cảnh sát biển Philippines.

Nguồn tin cho biết thêm, một phần của chuyến thăm nhằm đề xuất một cuộc diễn tập chung “tìm kiếm cứu nạn”“phòng chống cháy nổ” được tiến hành trong chuyến thăm của Vệ binh Việt Nam tới Philippines.

Vào tháng Một, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Philippines Marcos đã ký 2 bản ghi nhớ với Việt Nam, liên quan đến việc ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông và hợp tác hàng hải giữa Philippines và lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam.

Tờ Inquirer cho biết, trong tuần này, các quan chức quốc phòng Philippines và Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp thường kỳ tại Manila, để thảo luận về việc hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn.

Cả Manila và Hà Nội đều có xung đột với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài ở The Hague đã bác bỏ các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết này.

Tuần trước, Manila cho biết, Bộ Ngoại giao Philippines sẵn sàng đàm phán với Việt Nam, nhằm giải quyết các yêu sách chồng lấn sau khi Hà Nội nêu yêu sách lên Liên hợp quốc vào ngày 17/7 về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông.

Cách đây một tháng, Manila đã có động thái tương tự, khi khẳng định yêu sách mở rộng thềm lục địa của mình ở khu vực Tây đảo Palawan trên Biển Đông. Yêu sách này có thể chồng chéo với yêu sách của Việt Nam và Malaysia.

Ngày 18/6, một ngày sau khi Philippines đưa ra yêu sách của mình, Chính phủ Trung Quốc đã đệ trình một văn bản phản đối yêu sách của Philippines lên Ủy ban Liên hợp quốc về ranh giới thềm lục địa.

Philippines và Việt Nam đều là những nước có yêu sách ở Biển Đông. Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược trên biển.

Hôm thứ Hai 22/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết, nước này đang tìm cách ký “Thỏa thuận tiếp cận đối ứng” (RAA) với Canada, Pháp, New Zealand và các nước khác.

Các quan chức Philippines tiết lộ, họ sắp thành lập một liên minh quốc phòng nếu đạt được thỏa thuận. Điều này được coi là nhằm ngăn chặn sự xâm lược và đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Gilberto Teodoro
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro. (Ảnh:  PICRYL)

Đầu tháng 7, Philippines vừa ký RAA với Nhật Bản, cho phép triển khai quân trên lãnh thổ của nhau, nhằm đáp trả thái độ ngày càng hung hăng của ĐCSTQ trong khu vực. Ngoại giới cho rằng điều này cũng đồng nghĩa với việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có thể chính thức tham gia cuộc tập trận quân sự “vai kề vai” Mỹ-Philippines trong tương lai.

Bình Minh (t/h)