“Vành đai và Con đường” không chỉ là bẫy nợ, dã tâm khác của Bắc Kinh đã lộ diện
- Lý Chính Hâm
- •
Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (Vành đai và Con đường) do chính quyền Bắc Kinh đề xuất đã đưa các quốc gia dọc theo tuyến đường này vào bẫy nợ và tham vọng quân sự của ĐCSTQ ngày càng trở nên rõ ràng. Đồng thời, thành phần công nghệ của kế hoạch, tức con đường tơ lụa kỹ thuật số, cũng đang xuất khẩu chủ nghĩa độc tài.
Các cuộc tập trận chung làm nổi bật dã tâm quân sự của Bắc Kinh
Tờ Liberty Times của Đài Loan hôm 20/7 đưa tin, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh đã gây tổn hại cho nhiều quốc gia đang phát triển, nhiều quốc gia đã phải gánh những khoản nợ khổng lồ và chưa trả được, dẫn đến vỡ nợ và sụp đổ kinh tế. Họ buộc phải hy sinh an ninh quốc gia và bàn giao cơ sở hạ tầng hoặc cảng quan trọng cho Trung Quốc để đổi lấy việc gia hạn nợ. Các chuyên gia cho rằng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” không chỉ có mục đích thuộc địa hóa kinh tế mà còn có dã tâm quân sự, và Lào – một quốc gia đang trên bờ vực vỡ nợ, là một ví dụ.
Theo báo cáo ngày 19/7 của tạp chí The Diplomat của Mỹ, quân đội Trung Quốc và Lào đã tổ chức cuộc tập trận chung từ ngày 5 đến ngày 18/7 năm nay. Theo những hình ảnh đăng trên Internet, binh lính Trung Quốc đã di chuyển đến Lào thông qua Đường sắt Trung Quốc-Lào, được xây dựng bằng nguồn tài trợ của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và hiện cũng được sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự vào Lào.
Trung tá Santi Chanthalangsone, người đứng đầu cơ quan huấn luyện quân sự Lào, tiếp đón quân đội Trung Quốc nồng nhiệt. Ông nói rằng “người Trung Quốc có vũ khí và kiến thức chuyên môn có thể mang lại lợi ích cho chúng ta và cuộc tập trận này sẽ tăng cường quan hệ quân sự của chúng ta, góp phần vào cơ cấu và hiện đại hóa lực lượng vũ trang của chúng ta”.
Báo cáo chỉ ra rằng cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Lào được thực hiện sau khi quân đội Trung Quốc thực hiện các hoạt động tương tự ở Campuchia.
Những điều này nhắc nhở thế giới bên ngoài rằng Trung Quốc có ý định phối hợp với quân đội ở khu vực Đông Nam Á, quân đội Trung Quốc lợi dụng các cuộc diễn tập này để huấn luyện quân đội mình sử dụng các loại vũ khí khác nhau tùy theo địa hình khác nhau.
Theo báo cáo, Lào là quốc gia chuyên quyền độc đảng do Đảng Cách mạng Nhân dân (LPRP) lãnh đạo. Tuy là một quốc gia nhỏ nhưng có vị trí chiến lược dọc theo sông Mê Kông, là cầu nối thương mại quan trọng giữa Đông Nam Á và Trung Quốc. Bất chấp sự tăng trưởng về du lịch và cải thiện liên kết giao thông với Trung Quốc, Lào vẫn là một trong những quốc gia kém phát triển nhất châu Á.
Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng tình hình tài chính nguy hiểm của Lào đã khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Năm 2020, Lào đã nhượng lại phần lớn quyền kiểm soát lưới điện cho một công ty Trung Quốc, đây là biện pháp mà Lào buộc phải thực hiện để tránh vỡ nợ các khoản vay của Trung Quốc, động thái này cũng được thế giới bên ngoài coi là một trong những trường hợp ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc.
Báo cáo đề cập rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Chủ tịch Lào Thongloun tại Bắc Kinh vào năm 2023. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường quan hệ theo kế hoạch hành động 5 năm. Ông Tập Cận Bình cho rằng tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào do các doanh nghiệp Trung Quốc và các quỹ Trung Quốc xây dựng, đồng thời cũng là hình mẫu của hợp tác “Vành đai và Con đường” trong khu vực. Vào thời điểm đó, tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào được coi là cầu nối thúc đẩy thương mại và trao đổi nhân sự, và hiện nay nó đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự khu vực của Trung Quốc.
Phiên bản nâng cấp của “Vành đai và Con đường” giúp Bắc Kinh xuất khẩu chủ nghĩa độc tài
Hội nghị Internet Trung Quốc lần thứ 23 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 9 đến ngày 11/7/2024 nhằm thúc đẩy các công ty Trung Quốc “vươn ra toàn cầu”. Phân tích chỉ ra rằng chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy “Vành đai và Con đường kỹ thuật số” thông qua các doanh nghiệp nhằm xuất khẩu chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số ra quốc tế và định hình mô hình quản trị độc tài.
Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Digital Silk Road) tại Hội nghị thượng đỉnh “Vành đai và Con đường” đầu tiên. Sáng kiến này kêu gọi các công ty Trung Quốc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm cáp ngầm, vệ tinh, 5G và cơ sở hạ tầng khác ở các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường” để mở rộng thị phần trên thị trường công nghệ thông tin và truyền thông địa phương.
Theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Công nghiệp thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, 70% dự án “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc hiện tập trung vào liên thông cứng, tức là cơ sở hạ tầng. Lấy China Mobile làm ví dụ. Công ty này đã xây dựng mạng băng thông rộng 5G và mạng băng thông rộng gigabit lớn nhất thế giới, đã mở gần 1,9 triệu trạm gốc 5G.
Article 19, một tổ chức nhân quyền quốc tế chuyên thúc đẩy quyền tự do ngôn luận trên toàn cầu và được đặt tên theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đã chỉ ra trong báo cáo mới nhất của mình rằng mục đích của “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” không chỉ để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc, mà cũng nằm trong việc định hình lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản trị Internet.
Thông qua bốn trường hợp ở Campuchia, Malaysia, Nepal và Thái Lan, báo cáo phân tích cách Trung Quốc đã tăng cường mức độ chấp nhận mô hình quản trị kỹ thuật số của Trung Quốc đối với chính phủ các quốc gia này thông qua ảnh hưởng địa phương của các công ty công nghệ như Huawei, ZTE và Alibaba.
Lấy Campuchia làm ví dụ, năm 2021 nước này công bố nghị định xây dựng Cổng Internet Quốc gia (National Internet Gateway) tương tự Tường lửa Quốc gia của Trung Quốc vào tháng 2/2022. Nghị định này có nghĩa là các mạng trước tiên phải được kết nối với các thiết bị đầu cuối do chính phủ chỉ định, đồng thời sẽ hạn chế quyền truy cập của người dân Campuchia vào các trang web truyền thông phương Tây và các trang mạng xã hội.
Nepal là một ví dụ khác. Năm 2018, tuyến cáp quang đất liền xuyên biên giới Trung Quốc – Nepal do Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc xây dựng đã bắt đầu vận hành thương mại. Huawei của Trung Quốc cũng triển khai dự án phúc lợi công cộng “Hạt giống tương lai” ở Nepal để đào tạo người dân địa phương về 5G và trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ Nepal đã thông qua chính sách bảo mật dữ liệu quốc gia mới vào năm 2023, trong đó tuyên bố rằng “sẽ phát triển và xây dựng mạng nội bộ và Internet thuộc sở hữu nhà nước”.
Chính phủ Nepal nói rằng tất cả các trang web trên Internet thuộc sở hữu nhà nước phải đi qua các thiết bị đầu cuối do chính phủ chỉ định.
Báo cáo viết: “Một sự chuyển đổi từ một mạng Internet tự do, mở và liên thông chuyển hướng sang xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số phân mảnh dựa trên cơ chế kiểm duyệt và giám sát, để đảm bảo rằng Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) và các chính phủ độc tài khác có thể tiếp tục cai trị”.
“Vành đai và Con đường” tạo bẫy nợ
Dữ liệu mới nhất cho thấy tổng số tiền vay mà các nước đang phát triển nhận được từ Trung Quốc sẽ không dưới 1.100 tỷ USD. Dữ liệu được công bố bởi AidData, phòng thí nghiệm nghiên cứu nổi tiếng tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu William & Mary (William & Mary’s Global Research Institute) ở Virginia, Mỹ. Phòng thí nghiệm này đã thu thập dữ liệu cho vay được cung cấp bởi 21.000 dự án của Trung Quốc cho 165 quốc gia trong hơn hai thập kỷ. (Liên kết đến văn bản gốc của báo cáo tại đây).
Báo cáo nêu rõ, các nước Nhóm G7 không nên đánh giá thấp dã tâm của Trung Quốc, nếu không thỏa thuận “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (Partnership for Global Infras and Investment) được sử dụng để đối kháng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc sẽ mất khả năng cạnh tranh vì giống nhau về bản chất.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay cho nhiều nước nghèo để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, cách làm này được đưa vào Sáng kiến Vành đai và Con đường dưới thời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Dự án khổng lồ nhằm xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc sang các nước đang phát triển đã được thực hiện trong 10 năm.
Các khoản vay của Trung Quốc về cơ bản được dùng để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng đường bộ, sân bay, đường sắt và nhà máy điện, bao trùm các khu vực rộng lớn như Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Điều này ở một mức độ nào đó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia liên quan và cũng giúp chính phủ các quốc gia này xích lại gần với Bắc Kinh, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, hình ảnh của sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã bị các nước tham gia và phương Tây chỉ trích. Nguyên nhân chính là do chính quyền Bắc Kinh cung cấp cơ sở hạ tầng và các khoản vay mà không tính đến tác động môi trường và kinh tế xã hội của các quốc gia mục tiêu, từ đó cũng gây ra mối quan ngại về tham nhũng ở chính quyền địa phương và sự phản đối của người dân.
Nó cũng làm dấy lên làn sóng chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, cho rằng việc chính quyền Bắc Kinh cho vay bất kể khả năng trả nợ của người đi vay là cách làm vô trách nhiệm, đã khiến một số nước đang phát triển rơi vào bẫy nợ.
Sri Lanka là một ví dụ điển hình về nạn nhân mắc bẫy nợ. Chính phủ nước này phá sản vì không trả được món nợ khổng lồ của Trung Quốc và phải cho Trung Quốc thuê cảng để trả nợ. Các quốc gia châu Phi như Zambia, Ethiopia và Ghana đã khất nợ một lượng lớn nợ của Trung Quốc ở nhiều mức độ khác nhau và không có khả năng trả nợ. Hiện tại, họ chỉ có thể chờ đợi Trung Quốc xóa nợ.
Từ khóa Đông Nam Á bẫy nợ Trung Quốc Một vành đai một con đường Dòng sự kiện