Phó TGĐ Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN (VEAM) bị khởi tố
- Khánh Vy
- •
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy Động lực & Máy Nông nghiệp Việt Nam bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
- Vụ cựu TGĐ VEAM: Đề nghị 15-16 năm tù, tuyên phạt 11 năm tù
- Sai phạm trong sử dụng đất, cựu chủ tịch HĐQT và cựu TGĐ VEAM bị khởi tố
Ông Hồ Mạnh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy Động lực & Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM), vào ngày 17/9 bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự 2015.
Ngày 19/9, truyền thông trong nước đưa tin dẫn thông báo của VEAM về biện pháp khởi tố do Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội tiến hành như vừa nêu.
Ông Hồ Mạnh Tuấn (SN 1963) đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc VEAM từ tháng 4/2016. Trước đó, ông từng giữ vị trí này trong khoảng thời gian 2010 – 2012. Ông Tuấn từng giữ vị trí thành viên Hội đồng thành viên của Honda Việt Nam – là một trong các công ty liên doanh của VEAM.
Vào ngày 13/6 vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên toà xét xử ba cựu lãnh đạo VEAM gồm: Trần Ngọc Hà – Chủ tịch HĐTV, Nguyễn Đức Toàn – Phó Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM và Phạm Vũ Hải – Phó Tổng Giám đốc VEAM về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại VEAM.
Cáo trạng thể hiện sai phạm của các cựu lãnh đạo VEAM xảy ra trong giai đoạn VEAM còn là doanh nghiệp Nhà nước. Cả ba ông Hà, Toàn và Hải đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy định của VEAM trong việc bán xe ô tô do VEAM sản xuất và mua vật tư săm, lốp, yếm qua trung gian gây thiệt hại cho VEAM hơn 76 tỷ đồng.
VEAM tiền thân là Công ty TNHH Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ – Công ty Con, thuộc Bộ Công thương được thành lập ngày 12 tháng 05 năm 1990 với mục tiêu trọng tâm của ngành cơ khí Việt Nam là Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2017. Sau cổ phần hóa, Bộ Công thương vẫn nắm giữ trên 88% cổ phần của VEAM. Nửa đầu năm 2023, VEAM lãi 3.182 tỷ đồng sau thuế, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022. Báo cáo soát xét bán niên 2023 cho biết VEAM chưa nhận được biên bản phê duyệt quyết toán chi phí cổ phần hóa của các cơ quan có thẩm quyền tại ngày công ty chính thức cổ phần hóa. Bên cạnh đó, các lô đất thuê cũng đang được rà soát để thực hiện ký lại các hợp đồng thuê đất khi Tổng công ty chuyển từ Công ty TNHH MTV sang Công ty cổ phần. Đến thời điểm lập báo cáo (tháng 8/2023), các thủ tục này vẫn chưa hoàn tất. Báo cáo bán niên soát xét của công ty đồng thời bị kiểm toán đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ cũng như nhấn mạnh. Kiểm toán cho biết không có đủ bằng chứng để đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán (tính đến cuối quý II/2023) với giá trị 168 tỷ đồng, trong đó có các khoản phải thu về gốc và lãi hỗ trợ vốn gần 120 tỷ đồng. Hàng tồn kho chậm luân chuyển và trích lập dự phòng giảm giá 210 tỷ đồng cũng bị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ do không thu thập được chứng cứ đầy đủ xác định giá trị dự phòng hợp lý hay không. Ngoài ra, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị 430 tỷ đồng cũng chưa có đủ bằng chứng để đánh giá về khả năng thu được lợi ích kinh tế tương ứng. |
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa VEAM bắt nhiều lãnh đạo tại VEAM cựu Tổng giám đốc VEAM thất thoát