Quốc hội thông qua Luật Căn cước, thẻ CCCD tiếp tục đổi tên, bỏ dấu vân tay
- Nguyễn Quân
- •
Với 87,25% đại biểu tán thành, Luật Căn cước chính thức được thông qua, thay thế cho luật Căn cước công dân 2014. Kể từ 1/7/2024 – khi Luật Căn cước có hiệu lực thi hành, thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ đổi tên thành thẻ căn cước kèm hàng loạt thay đổi khác.
- Đổi tên thẻ ‘căn cước công dân’ thành ‘căn cước’ : Vẫn sẽ đổi dù gây xáo trộn?
- Dân tốn 2.970 tỷ đồng nếu luật quy định phải đổi giấy phép lái xe
Đổi tên, bỏ dấu vân tay… trên thẻ căn cước
Sáng 27/11, Quốc hội bấm nút đối với dự án luật Căn cước. Với 431/468 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (87,25%) – đa số tán thành – Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước. Luật gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Với việc Luật Căn cước công dân được đổi tên thành Luật Căn cước, thẻ CCCD cũng sẽ phải đổi tên thành thẻ Căn cước để tương thích.
Ngoài tên gọi, nhiều dòng chữ trên mặt thẻ cũng được chỉnh sửa, gồm: dòng chữ “Căn cước công dân” đổi thành “Căn cước”, “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh”, “nơi thường trú” đổi thành “nơi cư trú”.
Thẻ căn cước sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), phần “Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” đổi thành “Nơi cấp: Bộ Công an”.
Tóm lại, Điều 18 Luật Căn cước quy định thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy; Dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”; dòng chữ “Căn cước”; ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày/tháng/năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày/tháng/năm cấp thẻ; ngày/tháng/năm hết hạn sử dụng; nơi cấp: Bộ Công an.
Theo đó, so với Luật Căn cước công dân 2014, trường thông tin về quê quán, vân tay đã bỏ, không thể hiện trên mặt thẻ căn cước.
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp…
Trong đó, với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điều 22 của Luật quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Ngoài ra, Luật Căn cước quy định ngoài công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, người dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước (cấp theo nhu cầu, không bắt buộc), thay thế quy định hiện hành chỉ áp dụng làm thẻ CCCD đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.
Trước ý kiến đề nghị không đổi tên luật và tên thẻ căn cước, vì loại thẻ này đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung và tên gọi, giải pháp được đưa ra trong luật mới là chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày 1/7/2024 – thời hạn Luật Căn cước có hiệu lực thi hành – thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Thẻ CCCD, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024 (tức trước ngày 1/7/2024 – thời hạn Luật Căn cước có hiệu lực thi hành).
Thẻ CCCD được cấp trước ngày 1/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Thu thập mống mắt để nhận diện công dân
Về việc thu thập thêm mống mắt vào Cơ sở dữ liệu căn cước, tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/11 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.
Nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ nhận diện mống mắt để nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua website…
Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người), đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.
Luật Căn cước bổ sung quy định thu thập thông tin mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (với các trường hợp khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan…).
Từ khóa Quét mống mắt thẻ căn cước Luật Căn cước Dòng sự kiện Luật Căn cước công dân