Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Giải phóng nhanh, giảm mật độ tại Bệnh viện Đà Nẵng
- Nguyễn Minh
- •
Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục giảm mật độ tại Bệnh viện Đà Nẵng, giảm hiện diện của bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế, không mở điều hòa… tránh nguy cơ bệnh viện trở thành ổ siêu lây nhiễm.
Tại cuộc họp trực tuyến ngày 1/8 với Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách, ông Long nhận định hiện nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng đang “quá nhiều”, phải giảm số lượng.
Ông Long yêu cầu phải ưu tiên giải phóng nhanh, giảm mật độ với bệnh viện này (ở cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế). Các nhân viên y tế cần được đưa ra ngoài cách ly tại khách sạn. Nếu nhân viên y tế phải quay trở lại bệnh viện làm việc sẽ sắp xếp xe đưa đón, cách thực hiện như Bệnh viện Bạch Mai đã làm trước đây.
“Đặc biệt, các khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực – chống độc, hô hấp, tim mạch – là những nơi có khả năng lây nhiễm ở Bệnh viện Đà Nẵng, không đưa bệnh nhân vào đây điều trị nữa”– ông Long nói.
Ngoài ra, ông Long đề nghị mở toàn bộ cửa sổ, không bật điều hòa, tạo thông khí cho bệnh viện, tránh việc môi trường ô nhiễm sẽ tạo thành ổ siêu lây nhiễm tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng – nơi các bệnh nhân COVID-19 từng lui tới chữa bệnh – đã được phun khử khuẩn, ông Long đồng ý Bệnh viện C Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm lần hai cho người tại bệnh viện, sau đó tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhưng phải phân luồng, phân tuyến rất kỹ.
Từ tối 26/7, nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng bắt đầu được đưa đi cách ly tập trung ở bên ngoài bệnh viện sau khi xét nghiệm nhanh Elisa tìm kháng thể. Khoảng hơn 1/3 trong tổng số gần 2.000 cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện này được đưa đi cách ly tại các khách sạn ven biển do TP sắp xếp.
Đến chiều 27/7, các bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng được chuyển sang các bệnh viện khác nhằm giải tỏa áp lực cho Bệnh viện Đà Nẵng, nơi đang bị cách ly y tế. Trong đó, các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm COVID-19 được chuyển đến Bệnh viện Phổi TP Đà Nẵng để tiếp tục điều trị; bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính và các bệnh khác được chuyển sang Bệnh viện 199 Đà Nẵng (Bộ Công an) và một số bệnh viện dự phòng khác.
Ngày 29/7, thêm hơn 800 người nhà bệnh nhân được đưa đi cách ly ở các nơi khác ngoài bệnh viện. Tuổi Trẻ Online ngày 29/7 dẫn nguồn tin từ Đại tá Nguyễn Quang Vinh – phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng – cho biết người nhà của bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng được cách ly tập trung tại Trường Quân sự Quân khu 5 (quận Cẩm Lệ).
Tính đến chiều 1/8, trong Bệnh viện Đà Nẵng còn khoảng 2.000 người, gồm bệnh nhân dương tính COVID-19, bệnh nhân âm tính nhưng mắc bệnh nặng, người nhà, y bác sĩ, theo Vnexpress ngày 1/8.
Theo kế hoạch, các ca bệnh COVID-19 sẽ được điều trị tập trung tại các bệnh viện chuyên biệt là Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (công suất 100 giường), Trung tâm Y tế Hòa Vang (công suất 200 giường) và Bệnh viện Dã chiến, tổng cộng có thể thu dung 2.000 bệnh nhân. Các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh khác như Bệnh viện Trung ương Huế (đã hỗ trợ Đà Nẵng điều trị 18 bệnh nhân, đa số là bệnh nhân nặng), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Điện Bàn.
Hiện 38 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã được chi viện cho 5 đơn vị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Bắc Quảng Nam.
Ngoài kíp điều trị do bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi Sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách, còn có thêm một kíp đang hỗ trợ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Từ khóa bệnh viện Đà Nẵng ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng tâm dịch COVID -19 Đà Nẵng