Tạo ảnh chân dung AI – nguy cơ thông tin bị đánh cắp
- Nguyễn Quân
- •
Khi ứng dụng tạo ảnh AI, được cấp quyền truy cập vào kho ảnh, camera điện thoại…, và ảnh được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ, các thông tin đọc từ hình ảnh có thể bị AI học, tạo hình ảnh deepfake để lừa đảo, thậm chí mở khóa tài khoản xác lập bằng nhận diện khuôn mặt.
- Cảnh giác ‘chiêu’ dùng deepfake để ghép mặt, giọng nói giống hệt người thân để lừa đảo
- Ngăn cuộc gọi giả mạo hình ảnh Deepfake – giải pháp nằm ngoài Bộ TT&TT
Zalo AI Avatar (tạo ảnh đại diện bằng trí tuệ nhân tạo) – tính năng mới được Zalo giới thiệu từ ngày 20/10 đang trở thành ứng dụng được nhiều người truy cập do khả năng tạo ra những bức chân dung đẹp đến siêu thực với nhiều phiên bản và phong cách khác nhau.
Yếu tố thu hút người dùng xuất phát từ trình độ được “nâng cấp” của AI khi có khả năng xử lý và biến đổi ảnh chụp chân dung thành tranh vẽ mà vẫn giữ được các nét nhận diện của khuôn mặt. Điều này khác với những ứng dụng đơn thuần xử lý ảnh chụp thành các bức hình như trong truyện tranh.
Ngoài ra, đây là tính năng đi kèm với ứng dụng Zalo, người dùng có thể sử dụng miễn phí sau tải và kích hoạt ứng dụng Zalo thay vì phải tải ứng dụng tạo ảnh riêng (mất phí hoặc không). Yếu tố “hàng đi kèm” này xử lý nhanh chóng vấn đề e ngại – mất thời gian, tốn tiền – của người dùng.
Mỗi tài khoản Zalo được cấp tới 50 lượt tạo tranh chân dung từ hình ảnh mỗi ngày, với các lựa chọn có đặc tính mở như đặt làm ảnh đại diện 7 ngày hoặc chia sẻ cho bạn bè.
Tuy nhiên, “không có bữa trưa nào là miễn phí”. Công an TP.HCM vừa chỉ ra những nguy cơ mà người tải, sử dụng các ứng dụng tạo ảnh AI có thể đối diện, gồm:
Một là lộ, lọt thông tin cá nhân kèm theo hình ảnh (có các thông tin về thiết bị, thời gian, vị trí chụp ảnh), thông tin trên thiết bị điện tử do tải và cấp một số quyền truy cập thiết bị cho ứng dụng.
Hai là người dùng bị thu thập các bức ảnh chân dung, từ đó đối tượng xấu sử dụng tạo video giả mạo thông qua công nghệ deepfake, thực hiện cuộc gọi video call lừa đảo cho người thân của nạn nhân.
Ba là người dùng bị lợi dụng các hình ảnh chân dung để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân có thiết bị xác lập tài khoản bằng khuôn mặt và một số nguy cơ mất an toàn thông tin khác.
Trên cơ sở điều tra về nguy cơ, phần tác hại của trào lưu tạo ảnh AI trên mạng xã hội như nói trên, Công an TP.HCM khuyến cáo người dùng nên chọn lọc và sử dụng các phương thức, ứng dụng uy tín được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá.
Trước khi cài đặt, sử dụng ứng dụng, người dùng phải đọc kỹ, hiểu về các điều khoản, yêu cầu, đồng thời cần phải xem xét những quyền mà ứng dụng yêu cầu được truy cập.
Ngoài ra, công an khuyến cáo người dùng mạng xã hội hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội và đặc biệt không cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư cho mạng xã hội.
Trước đó, một bài đăng trên Tạp chí Công thương ngày 24/10 đã đề cập đến ứng dụng Zalo AI Avatar kèm cảnh báo về nguy cơ lọt dữ liệu cá nhân khi sử dụng tính năng này.
“Khi xử lý ảnh, hình ảnh của người dùng sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ, tạo nên nguy cơ lộ thông tin cá nhân người dùng. Việc cung cấp ảnh cá nhân cũng tạo nguy cơ bị lợi dụng để tạo ra ảnh giả mạo nếu chúng lọt vào tay kẻ xấu” – trích bài đăng.
Thông tin trên có nghĩa khi ứng dụng được cấp quyền truy cập vào file ảnh và ảnh được tải lên ứng dụng thì hình ảnh đã được lưu tại máy chủ; dữ liệu hình ảnh này có thể bị sử dụng, bằng AI tạo nên hình ảnh deepfake để lừa đảo.
Hồi trung tuần tháng 8/2023, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu cho hay người lớn nên hạn chế tối đa nhất có thể việc chia sẻ hình ảnh, video của con nhỏ, trẻ em trên mạng xã hội để tránh nguy cơ bị đánh cắp thông tin, danh tính.
Trên cơ sở những phân tích của bà Leah Plunkett, giảng viên Trường Luật Harvard (sách Sharenthood: Why We Should Think before We Talk about Our Kids Online (Strong Ideas)), ông Hiếu cho hay: “Điều đầu tiên và được cho là đáng lo ngại nhất đối với các bậc cha mẹ, là nguy cơ gây tổn hại cho đứa trẻ. Những kẻ xấu có thể đánh cắp danh tính, rình rập trẻ… chưa kể kẻ xấu có thể áp dụng công nghệ AI, deepfake, photoshop để giả mạo, ghép ảnh, video… của trẻ để dùng cho hành vi phạm pháp.
Thứ hai là nguy cơ tổn hại đến cơ hội sống hiện tại hoặc tương lai của trẻ. Một khi nội dung được chia sẻ trên nền tảng kỹ thuật số, bạn không có cách nào biết và không có cách nào kiểm soát cách nó sẽ được sử dụng và nó sẽ đi đâu.
Có nguy cơ thực sự là nội dung bạn chia sẻ về con cái sẽ được đưa vào phân tích bởi các nhà môi giới dữ liệu hoặc các công ty khác đang muốn tìm hiểu về con bạn và có thể cố gắng tiếp thị hoặc rao bán thông tin.
Rủi ro thứ ba khó xác định nhất và có thể không xác định được trong một thời gian. Đó là rủi ro đối với ý thức về bản thân và bản sắc của đứa trẻ trên thế giới.”
Những nguy cơ trên cũng tương tự đối với người lớn. Theo ông Hiếu, người lớn nên hạn chế tối đa nhất có thể việc chia sẻ ảnh, video lên mạng xã hội.
Tại thời điểm này, ứng dụng Loopsie chuyển từ ảnh thật thành hình ảnh truyện tranh theo phong cách anime (Nhật Bản) đang gây sốt trên mạng xã hội dù chỉ cho sử dụng miễn phí 3 ngày đầu. Ứng dụng Loopsie yêu cầu quyền truy cập vào kho ảnh của người dùng, camera điện thoại và một số quyền khác như thông tin email, truy cập internet.