Ngày 11/8, Ban Quản lý Khu Du lịch thác Bản Giốc thông báo tạm dừng đưa đón khách qua lại tại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc). Nguyên nhân được cho là do hệ thống truyền tải băng chuyền tại khu vực thác Đức Thiên xảy ra sự cố.

thac ban gioc tam dung don khach du lich qua lai phia thac duc thien
Thác Bản Giốc nằm ở biên giới Việt-Trung. (Ảnh: Shutterstock)

Trong thông báo của đối tác phía Trung Quốc gửi tới công ty lữ hành, nguyên nhân tạm dừng được cho biết là “để bảo trì trang thiết bị, cơ sở vật chất”. Tất cả khách du lịch đặt vé trước sẽ được hoàn tiền. Báo cáo của Ban quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc cũng đề cập đến “sự cố xảy ra ở khu thắng cảnh thác Đức Thiên”.

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, thảm bay, hệ thống băng truyền tải đưa khách lên điểm ngắm cảnh trên cao khu vực thác Đức Thiên xảy ra sự cố vào chiều ngày 10/8, khiến 60 người bị thương và một người chết.

Một nguồn tin khai thác du lịch phía Việt Nam cho biết không có người Việt bị thương trong sự cố.

Thông báo nhấn mạnh các hoạt động đón du khách nội địa Việt Nam đến tham quan Khu du lịch thác Bản Giốc vẫn diễn ra bình thường.

Tour du lịch thí điểm thăm thác Bản Giốc- Đức Thiên tại biên giới phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc được bắt đầu từ ngày 15/9/2023 và theo thỏa thuận sẽ kéo dài một năm (tức đến ngày 15/9/2024).

Thỏa thuận nêu rõ tham gia các tour thí điểm Bản Giốc- Đức Thiên là du khách từ cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc. Những người tham gia cần phải đăng ký trước theo nhóm lên đến 20 người. Du khách phải có hộ chiếu hoặc giấy phép xuất/nhập mới được vào khu thắng cảnh của thác.

Thời gian thăm cho các nhóm đến thác của phía nước bên kia là không quá 5 tiếng đồng hồ, du khách bị cấm nghỉ qua đêm tại đây.

Du khách Việt sang thăm thác phía Trung Quốc không phải mua vé vào thăm; tuy nhiên họ phải mua bảo hiểm.

Du khách Trung Quốc vào thăm thác phía Việt Nam phải mua vé với giá 2,9 USD cho mỗi lần, gồm cả phí dịch vụ và bảo hiểm.

Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn với hai phần thác chính và phụ. Ngọn thác Bản Giốc từng là một trong những điểm tranh cãi trong quá trình phân định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trước khi Hà Nội và Bắc Kinh hoàn tất quá trình phân giới cắm mốc vào năm 2008.

Thỏa thuận giữa hai phía quy định phần thác phụ thuộc chủ quyền Việt Nam; còn phần thác chính cả hai phía cùng khai thác. Phần thác chính được phân chia bằng cột mốc 53 cũ được dựng lên từ cuối thế kỷ 19, sau khi Chính phủ Pháp lúc bấy giờ và Nhà Thanh ký kết hiệp định phân chia biên giới Việt Nam-Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu gốc Việt Trương Nhân Tuấn ở Pháp vào đầu năm 2008 trong một trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do khẳng định rằng Việt Nam bị mất phân nửa thác Bản Giốc mà trước đây nằm sâu trong lãnh thổ nước này ít nhất 2km.

Bảo Khánh (t/h)