Thiếu máu do thiếu túi đựng máu
- Nguyễn Quân
- •
Tại một số cơ sở y tế, việc tiếp nhận máu bị gián đoạn hoặc phải dừng toàn bộ do thiếu túi máu. Tình trạng thiếu vật tư, túi máu, hóa chất, sinh phẩm… chủ yếu do vướng quy định về đấu thầu.
Thông tin trên được đại diện Trung tâm Máu Quốc gia (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) chia sẻ tại Hội nghị Công tác truyền máu toàn quốc năm 2024, ngày 11/4.
TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia dẫn nguồn báo cáo dựa trên số liệu từ 95 cơ sở y tế, gồm 30 bệnh viện tuyến trung ương, 63 bệnh viện đa khoa các tỉnh/thành phố và 02 bệnh viện ngành (quân đội, công an).
Hiện cả nước có 77 cơ sở y tế (thuộc 44 tỉnh/thành phố) tham gia tiếp nhận máu, trong đó có 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương/tuyến tỉnh thực hiện tiếp nhận máu thường xuyên, 29 cơ sở y tế tuyến huyện chủ yếu tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu.
Mặc dù có tổng số 77 cơ sở tiếp nhận máu trong cả nước, 91% lượng máu tiếp nhận lại tập trung ở 23 bệnh viện/Trung tâm truyền máu. Khu vực Đồng bằng sông Hồng tiếp nhận số lượng máu nhiều nhất với 655.842 đơn vị máu, trong đó riêng Viện Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận 485.432 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách), chiếm 30% lượng máu tiếp nhận toàn quốc.
Năm 2023, cả nước tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu, tăng 6% so với năm 2022. Trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu vật tư, túi máu, hóa chất, sinh phẩm vẫn chưa được tháo gỡ triệt để, chủ yếu do vướng quy định về đấu thầu. Tại một số đơn vị, hoạt động tiếp nhận máu bị gián đoạn hoặc phải dừng toàn bộ do thiếu túi máu.
Đưa ra ví dụ, ông Quế cho hay Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ gặp khó khăn về nguồn máu từ tháng 3/2023, Trung tâm Huyết học Truyền máu Đắk Lắk từ tháng 6/2023 hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình từ tháng 7/2023… Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, lượng máu cho điều trị gần như phải phụ thuộc hoàn toàn nguồn đơn vị khác. Tại loạt tỉnh khác như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên…, nguồn máu được điều phối cung cấp trong trường hợp thiếu máu cục bộ do thiếu hóa chất, vật tư.
“Đến tháng 12/2023, Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ vẫn chưa có khả năng tiếp nhận máu trở lại, các cơ sở truyền máu khác phải tiếp tục hỗ trợ, cung cấp máu đến hết quý 1/2024”, bác sĩ Quế nói.
Hồi tháng 10/2023, Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ lần thứ 2 gửi công văn cầu cứu tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Sở Y tế TP Cần Thơ vì cạn nguồn máu điều trị cho cả TP. Cần Thơ và miền Tây (lần đầu vào tháng 6/2023).
Nguyên nhân là do khó khăn trong đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư nên bệnh viện này không còn túi lấy máu, hết hóa chất, hết vật tư xét nghiệm máu nên không thể tổ chức lấy máu và sàng lọc được. Việc thiếu máu đã kéo dài từ tháng 3/2023.
Ngoài bất cập về đấu thầu mua sắp thiết bị y tế, một vấn đề khác được bác sĩ Quế nêu là nhiều đơn vị vẫn nhập liệu thủ công hoặc quản lý qua sổ sách, khiến việc tra cứu, đồng bộ hệ thống dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu người hiến máu gặp khó khăn, giữa các trung tâm chưa kết nối tốt bằng phần mềm trong quản lý hoạt động truyền máu.
Bên canh đó là tình trạng thiếu kết nối giữa các bước trong quản lý xét nghiệm, điều chế, cấp phát đơn vị máu và kết nối thông tin với người hiến máu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện; chưa xây dựng, đồng bộ được hệ thống dữ liệu quốc gia về người hiến máu…
Hơn 2,9 triệu chế phẩm máu đã được tạo ra từ nguồn hiến máuThs. Nguyễn Thị Thanh Dung, Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc máu (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho hay cả nước hiện có 46 cơ sở truyền máu triển khai hoạt động sàng lọc máu, trong đó 14 cơ sở triển khai đồng bộ các kỹ thuật xét nghiệm theo quy định, sàng lọc cho hơn 1,3 triệu đơn vị máu (chiếm 84% lượng máu tiếp nhận). 32 cơ sở truyền máu còn lại chỉ thực hiện kỹ thuật huyết thanh học và gửi mẫu tới các Trung tâm lớn để thực hiện xét nghiệm cao hơn, hoặc gửi mẫu xét nghiệm sàng lọc toàn bộ đơn vị máu. Từ kết quả máu tiếp nhận được và có kết quả sàng lọc an toàn, các cơ sở truyền máu điều chế được hơn 2,9 triệu chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022, chủ yếu là khối hồng cầu với gần 1,5 triệu đơn vị (chiếm 51%), huyết tương 820.305 đơn vị (chiếm 28%) và các chế phẩm khác như: tủa lạnh giàu yếu tố VIII, khối tiểu cầu gạn tách, khối bạch cầu… |
Nguyễn Quân
Từ khóa Hiến máu thiếu máu Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ