Thủ tướng Phạm Minh Chính: ‘Xóa bỏ cơ chế ‘xin-cho’, không tạo ra hệ sinh thái ‘xin-cho”
- Nguyễn Quân
- •
18 luật, 21 nghị quyết vừa được thông qua cần ban hành các văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc ban hành các văn bản phải theo hướng xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, không tạo ra hệ sinh thái “xin-cho”.
Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV.
Theo báo cáo của Chính phủ, với 18 luật, 21 nghị quyết (4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội) được thông qua, Kỳ họp thứ 8 là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3 (18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Tính riêng trong năm 2024, bao gồm cả kỳ họp bất thường lần thứ 5 và thứ 7, Quốc hội đã thông qua 31 luật, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong 3 năm trước đó – 3 năm đầu của nhiệm kỳ.
Để thi hành các luật trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan cần phải ban hành 130 văn bản với 569 nội dung giao quy định chi tiết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng khối lượng công việc cần thực hiện là rất lớn, nhấn mạnh cần bám sát Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Ông Chính nhấn mạnh việc ban hành 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết vừa được thông qua phải “thể chế phải đi trước”; phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, không tạo ra hệ sinh thái “xin-cho”; loại bỏ những quy định cản trở sự phát triển, làm chậm lại tiến trình đổi mới, cắt bỏ các thủ tục rườm rà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết.
Theo ông Mẫn, đây là “thách thức rất lớn” khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, để chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2/2025, đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Riêng việc tinh giản bộ máy đã có 4.922 văn bản phải sửa đổi
Chủ tịch Mẫn cho hay đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Số văn bản chịu tác động gồm 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 3.642 văn bản cấp bộ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị nhanh chóng tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể (có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý). Dự kiến sau Hội nghị Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hoàn thiện phương án sửa, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025.
Riêng đối với 18 luật vừa được thông qua, Chính phủ và các bộ cần ban hành 127 văn bản. Đối với một số luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ đầu năm 2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị từng bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo ban hành văn bản đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Nguyễn Quân
Từ khóa cơ chế xin cho thể chế nhà nước tinh giản bộ máy