Cảnh báo TP.HCM đã ghi nhận biến thể XBB của virus COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), giới chức Sở Y tế TP thông báo sẽ tiêm vắc-xin COVID-19 xuyên Tết. Trong khi đó, TP đã hết vắc-xin sởi và ho gà-uốn ván-bạch hầu dành tiêm cho trẻ em, chưa rõ thời gian được cấp. 

tp hcm tiem vac xin covid 19 xuyen tet het vac xin soi ho ga uon van bach hau
Bà Lê Thiện Quỳnh Như (đứng) và bà Lê Hồng Nga tại cuộc họp báo chiều 5/1. (Ảnh: Linh Chi/ttbc-hcm.gov.vn)

Tại cuộc họp báo KT-XH thường kỳ của TP.HCM, chiều 5/1, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết ngày 4/1/2023, Sở nhận được thông báo giải trình tự gen của tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford).

OUCRU công bố đã phát hiện 3/52 mẫu phết họng từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP có biến thể XBB trong tháng 12/2022. Theo kết quả này, biến thể BA.2.75 tiếp tục chiếm ưu thế.

Kết quả từ Hệ thống giám sát biến thể COVID-19 từ cộng đồng do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp Viện Pasteur TP thực hiện cũng ghi nhận 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11; tuy nhiên, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75. Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TP.HCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.

Tuy nhiên, bà Như cho rằng thời gian tới, do sự gia tăng, giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết nên việc xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 tại Việt Nam là khó tránh khỏi.

Phó Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết biến thể XBB là biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10/2022. Tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện ở Singapore, Ấn Độ.

Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10/2022. Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết TP.HCM đã ghi nhận biến chủng XBB của Omicron nhưng số ca mắc không quá nhiều, đồng thời khẳng định vắc-xin vẫn có hiệu quả cao trong kiểm soát ca mắc, ca nặng và trường hợp tử vong.

Theo đó, TP.HCM duy trì tiêm vắc-xin COVID-19 xuyên Tết, áp dụng đối với cả người chưa được tiêm, tiêm chưa đầy đủ hoặc cần tiêm nhắc lại – bà Nga cho hay, nhấn mạnh yêu cầu tiêm chủng đối với người thuộc nhóm nguy cơ, người già, người có bệnh nền. Độ tuổi tiêm vắc-xin COVID-19 là từ 5 tuổi trở lên.

Cũng trong họp báo, đại diện HCDC nói TP.HCM đã sử dụng hết vắc-xin sởi và DPT (bạch hầu-ho gà-uốn ván) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho trẻ, đang chờ phân bổ nhưng chưa rõ thời gian có vắc-xin.

Cụ thể, với số lượng 10.000 liều vắc-xin sởi và hơn 5.000 liều vắc-xin DPT mà HCDC nhận được vào ngày 25/11/2022, các cơ sở tiêm chủng đã nhận phân bổ và sử dụng hết từ giữa tháng 12/2022.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã có thông báo về số lượng vắc-xin TP.HCM sẽ nhận trong thời gian tới, tổng cộng 158.000 liều, trong đó 35.000 liều vắc-xin ngừa lao (BCG), 33.000 liều vắc-xin sởi, 30.000 liều vắc-xin sởi-rubella, 15.000 liều vắc-xin viêm não Nhật Bản, 20.000 liều vắc-xin viêm gan B, 25.000 liều vắc-xin DPT.

“Số lượng đã được thông báo nhưng ngày chính thức tiếp nhận thì chưa có”, bà Nga nói.

Bà Nga cho biết tính đến hết tháng 11/2022, nhóm trẻ dưới 1 tuổi (SN 2021) tại TP.HCM có tỷ lệ tiêm chủng là 86,3%, thiếu 8,7% so với chỉ tiêu cần đạt được (95%).

Sở Y tế TP.HCM từng báo hết vắc-xin sởi và DPT từ tháng 5-8/2022. Ngày 12/8, Viện Pasteur TP.HCM phân bổ 6.000 liều vắc-xin DPT hạn dùng đến ngày 5/9 cho TP; ngày 31/8, thông báo đã cạn kho. Sau khi sử dụng hết số vắc-xin trên, Sở Y tế TP phải gửi văn bản khẩn tới Bộ Y tế xin cung ứng vắc-xin sởi và DPT.

Tại cuộc họp báo định kỳ của TP vào ngày 7/9, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết tại thời điểm trên, việc tiêm chủng mở rộng của TP chỉ đạt 76,6% trong khi chỉ tiêu cần đạt 95%.

Không chỉ thiếu vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, từ nhiều tháng nay Viện Pasteur TP.HCM cũng không còn vắc-xin dịch vụ để tiêm, lý do được cho là do các bất cập về quy định mua sắm, đấu thầu.

Sơn Nguyên