Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư cho biết Trung Quốc muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt nối Việt Nam – Trung Quốc – châu Âu, tạo thuận lợi để hàng hóa Việt Nam sang châu Âu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư (Ảnh: baochinhphu.vn)

Từ ngày 8-12/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc.

Chiều 11/7, bà Ngân đã có buổi hội đàm với Chủ tịch Nhân đại Lật Chiến Thư.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua có nhiều tiến triển tích cực, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Việt Nam, đồng thời, Việt Nam cũng duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc, triển khai các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi trong việc kiểm dịch, thông quan cho hàng nông sản Việt Nam; tăng cường xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh với các đối tác Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Nhân đại Lật Chiến Thư nhấn mạnh, hai bên cần đẩy mạnh thực hiện Bản ghi nhớ về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, xây dựng tốt kế hoạch, xác định các lĩnh vực ưu tiên và khởi động đàm phán giữa hai Chính phủ về kế hoạch 5 năm phát triển hạ tầng, xây dựng khu vực kinh tế biên giới, tăng cường đầu tư, liên thông mậu dịch giao thương.

Ông Lật cũng cho biết Trung Quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt nối Việt Nam – Trung Quốc – châu Âu, tạo thuận lợi để hàng hóa Việt Nam sang châu Âu.

Về vấn đề trên biển, hai bên cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”; kiên trì giải quyết vấn đề trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Trong khi đó, ngày 12/7 vừa qua, SCMP đưa tin các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau trong một tuần qua xung quanh một bãi san hô trên biển Đông mà Việt Nam đang kiểm soát, làm dấy lên nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nước đang có tranh chấp vùng biển.

Sự việc này diễn ra bất chấp một cam kết vào tháng 5 giữa Bộ trưởng Trung Quốc và Việt Nam về việc giải quyết các bất đồng trên biển bằng hòa bình.

Tuấn Minh

Xem thêm: