Từ 1/9, TP.HCM thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, trừ đám cưới, ma chay
- Nguyễn Quân
- •
Từ ngày 1/9/2023, tại TP.HCM, tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để kinh doanh phải nộp phí. Danh mục tuyến đường thu phí do UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức quyết định.
- TP.HCM tính thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường
- Hà Nội nói về việc thường xuyên ‘xới tung vỉa hè’ dịp cuối năm
Ngày 26/7, UBND TP.HCM ra quyết định ban hành Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, thay thế Quyết định 74/2008 của UBND TP.
TP.HCM quy định việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận.
Các trường hợp được sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường và đóng phí như làm nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu phí; nơi tổ chức hoạt động văn hóa và giữ xe phục vụ hoạt động này; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải…
Một số trường hợp không phải cấp phép (miễn thu phí) như tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; điểm để xe 2 bánh không thu tiền trông, giữ xe; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, giải phân cách, đảo giao thông và bố trí đường dành cho xe đạp… nhưng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường.
Nguyên tắc khi sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè là phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức.
Chiều rộng hè phố dành cho người đi bố (không tính phần bó vỉa) tối thiểu từ 1,5m.
Nếu sử dụng ngoài mục đích giao thông phải bảo đảm phần lòng đường còn lại đủ bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông; trường hợp đặc biệt do UBND TP.HCM quyết định.
Tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương án đã được cơ quan quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chấp thuận; thu dọn các phương tiện, thiết bị, vệ sinh và hoàn trả nguyên trạng lòng đường, hè phố khi kết thúc sử dụng.
Danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời một phần lòng đường làm điểm trông giữ xe, đỗ xe có thu phí do Sở Giao thông vận tải TP.HCM ban hành sau khi thống nhất với Công an TP.HCM và UBND cấp huyện, Sở TN-MT TP.HCM…
Danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời hè phố làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ do UBND cấp huyện ban hành.
Theo dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố do Sở GTVT TP trình lên UBND TP trước đó, cơ quan này đề xuất mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh dao động từ 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và mức thu sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe từ 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo quận trung tâm và vùng ven.
Sở GTVT TP tính toán việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu khoảng 1.522 tỷ đồng/năm, dự kiến nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.
Phản biện về dự thảo đề án, ông Phạm Văn Phố, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 6 cho rằng việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè không nên chỉ chú trọng vào việc tăng thu ngân sách mà phải hài hòa lợi ích các bên, khi đối tượng bị tác động trực tiếp là các hộ kinh doanh và người mua bán hàng rong.
Nguyễn Quân
Từ khóa bán hàng rong tăng giá trông giữ phương tiện trên phố Dòng sự kiện thu phí vỉa hè lòng đường