Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh dự tính dài 447,66 km, đi qua 10 tỉnh/thành phố, nhằm tăng năng lực lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

ga lao cai
Ga Lào Cai tại Sa Pa, tháng 12/2023. (Ảnh minh họa: Maodoltee/Shutterstock)

Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Theo hồ sơ quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh có điểm đầu kết nối với đường sắt Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại Ga Cái Lân (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Tuyến đường sắt này đi qua 10 tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Chiều dài toàn tuyến là 447,66 km, trong đó đoạn qua Lào Cai dài 64,82 km; qua Yên Bái dài 76,95 km; qua Phú Thọ dài 60,05km; qua Vĩnh Phúc dài 41,75 km; qua Hà Nội và Bắc Ninh dài 40,93 km; qua Hưng Yên dài 18,57 km; qua Hải Dương dài 40,97 km; qua Hải Phòng dài 81,66 km; qua Quảng Ninh dài 36,62 km.

Đoạn qua TP. Hải Phòng dài nhất, gồm tuyến đường chính tuyến xuống Cảng Lạch Huyện có chiều dài 46,25 km; tuyến nhánh xuống Cảng Nam Đồ Sơn có chiều dài 12,63 km; tuyến nhánh xuống Cảng Đình Vũ có chiều dài 7,88 km; tuyến nhánh kết nối tỉnh Quảng Ninh có chiều dài 14,9 km.

Đoạn qua tỉnh Quảng Ninh bao gồm tuyến xây dựng mới có chiều dài 25,95 km; tuyến đường sắt hiện tại có chiều dài 10,67 km.

Toàn tuyến có khoảng 145 cầu với chiều dài 106,628 km đi qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Bạch Đằng và các cầu vượt đường bộ cao tốc như Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Quảng Ninh các đường quốc lộ và một số đường tỉnh; 42 hầm với chiều dài 23,281 km tại Lào Cai, Yên Bái.

Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh được quy hoạch 41 ga, gồm ga hỗn hợp, ga hàng hóa và ga kỹ thuật. Trong đó, Ga Lào Cai vừa là ga lập tàu vừa đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế và 4 ga hàng hóa: Ga cảng Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn,

ga lao cai
Ga Lào Cai tại Sa Pa, tháng 12/2023. (Ảnh minh họa: Maodoltee/Shutterstock)

Nam Đình Vũ, Đình Vũ.

Đơn vị tư vấn đã tính toán nhu cầu vốn để đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (trong thời kỳ quy hoạch đến 2050) là 183.856 tỷ đồng, gồm chi phí giải phóng mặt bằng 24.065 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 110.138 tỷ đồng; chi phí khác 16.194 tỷ đồng; chi phí dự phòng 33.551 tỷ đồng.

Dựa vào khối lượng dự báo nhu cầu và khối lượng các hạng mục công trình chủ yếu, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị đến năm 2030 triển khai đầu tư xây dựng đoạn tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đoạn tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh sẽ triển khai sau năm 2030 cùng với lộ trình đầu tư của tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Đơn vị tư vấn dự kiến phân kỳ đầu tư gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (trước 2030, giai đoạn thi công) tổng nhu cầu vốn là 160.770 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (100%) 24.065 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị (95%) 104.631 tỷ đồng, chi phí khác (95%) 15.299 tỷ đồng, chi phí dự phòng (50%) 16.775 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (sau 2030, giai đoạn hoàn thiện, quyết toán), tổng nhu cầu vốn là 23.086 tỷ đồng.

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất đầu tư dự án trên từ 3 nguồn vốn, gồm ngân sách Trung ương, vốn vay ưu đãi, nguồn lực xã hội hóa.

Ngày 13/10, trong buổi hội đàm tại trụ sở Chính phủ với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Trung Quốc cung cấp vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực để triển khai ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối các địa phương phía bắc Việt Nam với Trung Quốc, gồm: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

Nguyễn Quân