Tuyển sinh 2017: Bỏ điểm sàn, không giới hạn số nguyện vọng
- Trần Hưng
- •
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 hệ chính quy đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm năm 2017 với rất nhiều thay đổi.
Bỏ điểm sàn
Điểm sàn là mức điểm tối thiểu mà Bộ Giáo dục đưa ra để các trường nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng.
Trong bản quy chế dự thảo đã bỏ điểm sàn này, thí sinh chỉ cần đậu THPT là đủ điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng.
Tuy nhiên các trường có thể có các quy định riêng về việc nộp hồ sơ, nhưng phải công khai điều kiện đầu vào trong đề án của mình.
Không giới hạn số lượng đăng ký ngành và trường học
Thí sinh được đăng ký theo mong muốn, sở thích, không giới hạn số trường, nhưng cần phải đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Trong đợt 1, thí sinh được xét tuyển dựa theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký (trừ trường hợp cùng mức điểm xét tuyển ở cuối danh sách trúng tuyển).
Trường hợp danh sách thí sinh trúng tuyển sau cùng có nhiều (do cùng điểm) khiến dư ra so với chỉ tiêu, thì xét theo tiêu chí thí sinh đăng ký nguyện vọng ưu tiên cao hơn.
Thí sinh trúng tuyển phải đăng ký nhập học theo theo gian quy định, nếu không sẽ được xem là từ chối và trường sẽ tuyển bổ sung.
Sử dụng phần mềm lọc thí sinh ảo
Với việc không giới hạn số lượng trường đăng ký, nên lượng thí sinh ảo sẽ cao hơn các năm trước. Để xử lý vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng phần mềm trên cổng thông tin để lọc thí sinh ảo.
Cách thức tiến hành như sau: Sau khi hết thời hạn được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường, nhóm trường sẽ sử dụng cổng thông tin tuyển sinh để ra điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển.
Sau đó, các trường nhập lên cổng thông tin này danh sách thí sinh trúng tuyển. Hệ thống sẽ loại bỏ nguyện vọng thấp của thí sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng, từ đó sẽ lọc ‘ảo’.
Các trường sẽ dựa vào danh sách đã lọc ‘ảo’ này để điều chỉnh lại điểm chuẩn cùng danh sách trúng tuyển.
Theo đó, điều cốt yếu là thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng trong nhóm của bản thân.
Mặt khác, các trường cũng được phép tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm, không bắt buộc một hay hai đợt cố định.
Ý kiến chuyên gia
Một số chuyên gia lo ngại việc bỏ điểm sàn đại học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào, nhất là đối với các trường ngoài công lập.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục là Bùi Văn Ga cho báo chí biết điều kiện cần là thí sinh phải tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ là tùy theo các trường sẽ có quy định thêm.
Ông Ga cũng cho rằng điểm sàn không có nhiều ý nghĩa với các trường có điểm chuẩn cao, mỗi trường có đặc thù riêng nên ngưỡng đầu vào là khác nhau.
Dù Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã có phát biểu về vấn đề này, nhiều chuyên gia vẫn đưa ra ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: “Bỏ điểm sàn đại học là xu thế cần tiến tới trong tương lai, còn thời điểm này chưa thể bởi hệ thống giáo dục đại học của ta đang có sự nhập nhèm, trong một vòng luẩn quẩn”. (Tiền Phong, 17/12/2016)
Ông Dũng cũng nêu ý kiến rằng không có điểm sàn sẽ xảy ra tình trạng các trường tuyển sinh đại học tràn lan, vượt chỉ tiêu khiến chất lượng đầu vào thấp, đầu ra kém chất lượng khiến tỷ lệ thất nghiệp cao tạo gánh nặng cho xã hội. (Vnexpress, 18/12/2016)
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu bỏ điểm sàn thì việc phân luồng thí sinh như các năm sẽ thất bại, vì nhiều em không đạt điểm sàn cũng cố gắng vào một trường đại học nào đó lấy điểm thấp, thay vì vào các trường cao đẳng, trường nghề. Theo ông Dũng, việc bỏ điểm sàn đại học chỉ phù hợp khi nước ta có một môi trường đại học đồng đẳng, các trường đã được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nhất định.
Còn TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TPHCM nhận định việc bỏ điểm sàn có 2 mặt: “Thứ nhất sẽ nhận được sự đón nhận của thí sinh và phụ huynh do quy chế theo hướng mở, tùy các trường quyết định. Nhưng ngược lại, sẽ phủ nhận những ưu điểm lâu nay của ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Lẽ ra, khung giáo dục 8 bậc vừa mới ban hành sẽ được hiểu là đầu ra của bậc dưới sẽ là đầu vào của bậc trên. Do đó, nên có ngưỡng cho cao đẳng là tốt nghiệp THPT còn ngưỡng cho đại học phải cao hơn!”
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Mở TPHCM lại đồng ý với quan điểm bỏ điểm sàn. Ông Hà cho biết: “Như năm trước, dù có điểm sàn nhưng nhiều em tốt nghiệp THPT có điểm dưới sàn vẫn vào được đại học bằng hình thức xét tuyển học bạ nên điểm sàn gần như không có nhiều ý nghĩa”. (Tiền Phong, 17/12/2016)
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM thì lại cho rằng cần kiểm soát chất lượng đầu ra chứ không phải là đầu vào.
Dẫn trường hợp thực tế, PGS.TS Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng việc bỏ điểm sàn là hợp lý, nhiều năm nay nhiều trường đã xét học bạ THPT để tuyển sinh.
Điểm tích cực của việc bỏ điểm sàn là giúp các trường đại học có quyền tự chủ về chất lượng sinh viên đầu vào. “Nếu trường chất lượng sẽ đặt ra những tiêu chuẩn riêng cho mình để giữ được thương hiệu, uy tín”, ông Phong nói. (Vnexpress, 18/12/2016)
Trần Hưng
Xem thêm:
Từ khóa tốt nghiệp THPT bỏ điểm sàn Đại Học phần mềm lọc thí sinh ảo thi Đại học tuyển sinh 2017