Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận thông tin chất vấn của đại biểu, rằng hàng năm chi không hết vốn ngân sách chi cho lĩnh vực nghiệp môi trường, trong giai đoạn 2016-2020 phải hủy 30,8% dự toán, tương đương 2.416 tỷ đồng. Các dự án môi trường không được triển khai, nguyên nhân do cách làm việc trì trệ và vướng quy định (!).

go rung
Một khu tập kết gỗ tại quận 9, TP.HCM. (Ảnh: NDQ/Shutterstock)

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 9/11 đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Mai Sỹ Diến đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng và những giải pháp khắc phục trong việc lập dự toán và thực hiện chi cho lĩnh vực tài nguyên, môi trường giai đoạn vừa rồi để phải hủy 30,8% dự toán ngân sách, tương đương 2.400 tỷ về chi tài nguyên, môi trường.

Trả lời câu hỏi, ông Dũng cho biết môi trường nằm trong các lĩnh vực được ưu tiên có nguồn vốn từ ngân sách, mức chi là trên 1% tổng chi ngân sách (giáo dục, đào tạo là 20% ngân sách hàng năm; khoa học, công nghệ là 2%; y tế có tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng chi bình quân của ngân sách).

“Tuy nhiên, đúng như đại biểu Mai Sỹ Diến nêu, hàng năm chi không hết của sự nghiệp môi trường và trong giai đoạn 2016-2020 phải hủy dự toán 2.416 tỷ đồng”, ông Dũng thừa nhận.

Về nguyên nhân từ năm 2016-2020, Bộ Tài chính hủy dự toán hơn 2.400 tỷ đồng này, ông Dũng đưa ra 3 lý do:

Thứ nhất, theo quy định, vào tháng 10 hàng năm, khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước thì các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt nhiệm vụ sự nghiệp môi trường để làm cơ sở phân bổ dự toán. Nhưng trong thực tế, việc phê duyệt nhiệm vụ này bị chậm và đến tháng 10 chỉ đạt khoảng 50-60%. Số còn lại phải thực hiện phân bổ trong năm và có những trường hợp đến cuối năm mới phân bổ và có năm thì không phân bổ hết.

Thứ hai, chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường có tính chất đầu tư trong khi Luật Bảo vệ môi trường không cho phép. Do đó, trong dự toán 2020, Chính phủ đề nghị sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường để chi cho các hoạt động cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị và Quốc hội đã cho phép – ông Dũng nói.

Thứ ba, theo Quyết định 508/2008 của Thủ tướng Chính phủ, quy định là Trung ương hỗ trợ 50% và địa phương phải bỏ ra 50% kinh phí, nhưng thực tế, nhiều địa phương khó khăn, không đảm bảo được khoản kinh phí này.

Theo đó, các lý do khiến lĩnh vực tài nguyên, môi trường không được đầu tư đúng, đủ, theo Bộ Tài chính là do bộ máy làm việc trì trệ và vướng các quy định về đầu tư và địa phương không có kinh phí đối ứng.

Về giải pháp, ông Dũng cho biết các hướng, gồm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và Quyết định 508…

Ông Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo thêm vì theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị phân bổ chi tiết dự toán, Bộ Tài chính chỉ tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng.

Số liệu thống kê của Bộ Tài chính công bố hồi tháng 9/2017 cho biết giai đoạn 2012-2016, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường là 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm.

Con số này được cho biết là cao hơn số thu từ thuế Bảo vệ môi trường (khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm) (giai đoạn này đang xây dựng dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó Bộ Tài chính đề nghị nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít).

Các khoản chi ngân sách cho bảo vệ môi trường bao gồm cả chi trực tiếp và gián tiếp. Chi trực tiếp gồm chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường thuộc của cả ngân sách trung ương và địa phương khoảng 89.131 tỷ đồng; chi cho ngành tài nguyên và môi trường thực hiện các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường là 24.246 tỷ đồng; chi dự phòng ngân sách Trung ương để phòng chống, khắc phục thiên tai 18.480 tỷ đồng.

Chi gián tiếp không thể thống kê đầy đủ do được lồng ghép trong các nội dung chi khác, như chi ngân sách nhà nước cho phòng và chữa các bệnh gây ra bởi khói thuốc lá là một phần của chi cho y tế, Bộ này cho hay.

Nguyễn Quân

Xem thêm: