Việc lựa chọn SGK tại 6 tỉnh sai sót từ chọn môn học đến chi trả thù lao
- Nguyễn Quân
- •
Việc lựa chọn và quy trình lựa chọn sách giáo khoa (SGK) tại 6 tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa trong 1 năm 5 tháng, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ ra nhiều sai phạm, từ việc lập hội đồng, chọn môn học đến lập hồ sơ, chi trả thù lao…
- SGK lớp 4, 8, 11 chương trình mới: Bộ GD&ĐT phê duyệt, UBND tỉnh thành quyết định
- ‘Có dấu hiệu lợi ích nhóm’ trong in, bán SGK, sách bài tập: Lãng phí tạm tính hơn 2.460 tỷ đồng
Ngày 5/1, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ký văn bản số 05/TB-BGDĐT thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND tỉnh trong lựa chọn SGK và quy trình lựa chọn SGK tại 6 địa phương: Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/5/2022.
Theo kết luận, UBND các tỉnh cơ bản đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo thực hiện lựa chọn SGK, kế hoạch lựa chọn SGK và các quyết định ban hành tiêu chí lựa chọn SGK, thành lập hội đồng lựa chọn SGK, quyết định ban hành danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ kết luận UBND tỉnh Khánh Hòa chưa đảm bảo thành phần tại một số hội đồng lựa chọn SGK lớp 6, lớp 7, lớp 10. Theo quy định, cần có ít nhất 2/3 thành viên tham gia hội đồng là Tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.
Tỉnh Khánh Hòa không tổ chức lựa chọn từ cơ sở giáo dục đối với 2 môn học Âm nhạc, Mĩ thuật (lý do không có giáo viên) ở cấp THPT là vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.
UBND tỉnh Đắk Lắk công bố danh mục SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10 chậm 2 tháng so với quy định. Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Krong Pak) và Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (thị xã Buôn Hồ ) giao nhiệm vụ cho giáo viên của tổ chuyên môn không đúng chuyên môn nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK.
Trong quá trình lựa chọn SGK, các hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh Kiên Giang, tỉnh Long An và các hội đồng lựa chọn SGK trung học tỉnh Đồng Tháp không xây dựng báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và tiếp thu ý kiến lựa chọn SGK của các trường trung học theo quy định.
Tại tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang, một số trường sắp xếp, lưu giữ hồ sơ chưa khoa học, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm tra, gồm: Trường Tiểu học Chu Văn An, Trường THCS Võ Trường Toàn, Trường THPT Trần Quốc Toản và Trường THPT Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp); Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường THCS thị trấn Kiên Lương, Trường THPT Kiên Lương, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (tỉnh Kiên Giang).
Tỉnh Khánh Hòa không tổ chức lựa chọn từ cơ sở giáo dục đối với 2 môn học Âm nhạc, Mĩ thuật (lý do không có giáo viên) ở cấp THPT; tỉnh Quảng Ngãi, đối với lớp 10, chỉ có 31/40 trường THPT chọn dạy môn Âm nhạc và 16/40 trường THPT chọn dạy môn Mĩ thuật, là chưa thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trường THPT Nguyễn Trung Trực (tỉnh Kiên Giang) thiếu minh chứng thể hiện việc hướng dẫn các tổ chuyên môn, giáo viên lựa chọn SGK lớp 10; một số biên bản lựa chọn SGK không đúng quy định.
Về nội dung bảo đảm kinh phí, các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc lựa chọn SGK, tại thời điểm thanh tra trực tiếp, các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Khánh Hòa chưa ban hành Nghị quyết về nội dung, mức chi cho hoạt động lựa chọn SGK trên địa bàn. UBND tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho hoạt động lựa chọn SGK tại các cơ sở GDPT theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Thông tư 25.
Sở GD&ĐT, UBND huyện/thành phố, phòng GD&ĐT chậm đề xuất kinh phí cho các cơ sở GDPT thực hiện lựa chọn SGK tại cơ sở GDPT. Các tổ chuyên môn, giáo viên, nhà trường chưa được chi trả thù lao cho hoạt động lựa chọn SGK (tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa,….).
Do đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu UBND các tỉnh tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với tập thể, cá nhân để xảy ra thiếu sót, vi phạm trong lựa chọn SGK; thời hạn báo cáo kết quả khắc phục về Bộ GD&ĐT là sau 45 ngày kể từ ngày 5/1.
Chương trình giáo dục phổ thông mới (hay còn gọi là Chương trình giáo dục phổ thông 2018) được thực hiện bắt đầu từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; dự kiến năm 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Đây là chương trình nhiều bộ sách (một chương trình thống nhất cả nước và mỗi một môn học có một hoặc một số SGK), chương trình được thiết kế theo hướng mở. Về lựa chọn sách, năm đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 88, quyền lựa chọn SGK thuộc về các trường; từ năm sau, thực hiện theo Luật Giáo dục, UBND tỉnh quyết định trên cơ sở đề xuất của các trường. |
Nguyễn Quân
Từ khóa sửa đổi sách giáo khoa Dòng sự kiện sách giáo khoa chương trình mới