Việt Nam có thêm 27 bảo vật quốc gia
- Minh Long
- •
Bộ thềm đá điện Kính Thiên, đầu rồng thời Trần, cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn… là những bảo vật quốc gia mới được công nhận.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).
Đáng chú ý, trong danh sách này có bộ thành bậc điện Kính Thiên thế kỷ 17, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông, trên núi Nùng, ngay nền cũ cung Càn Nguyên – Thiên An của thời Lý – Trần. Đây là nơi thiết triều, bàn những việc quốc gia đại sự cũng như đón tiếp sứ giả nước ngoài, tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình.
Lấy Càn Nguyên đặt tên cho điện coi chầu, Lý Thái Tổ đã chọn đúng trung tâm của trời đất đặt ngai vàng để trị nước. Sau các vua nhà Lý, các vua nhà Trần, nhà Lê đã cho xây dựng hệ thống thành lũy tại đây. Khu vực quan trọng là Cấm Thành (hay Long Thành, Long Phượng Thành) trong thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê. Trung tâm là điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý – Trần, điện Kính Thiên thời Lê.
Dấu tích điện Kính Thiên hiện nay chỉ còn là khu nền cũ. Nền điện dài 57 m, rộng 41,5 m, cao 2,3 m và thềm bậc xây bằng đá xanh tạo thành ba lối vào. Phía nam nền điện còn có hàng lan can cao hơn 100 cm. Mặt trước, hướng chính nam của điện Kính Thiên là thềm điện xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng. Thềm bậc có kích thước: ngang 13,7 m, dọc 4,45 m, cao 2,1m với đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.
Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.
Phía bắc của nền Điện Kính Thiên còn có một thềm 7 bậc lên xuống nhỏ hơn so với bậc thềm chính ở phía nam. Hai bên bậc thềm có 2 rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII ), rồng dài 3,4m; uốn 7 khúc, thân có vẩy, lưng như hàng vây cá, chân rồng 5 móng… Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây… Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay.
Ngoài ra, trong 27 bảo vật quốc gia còn có:
- Công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, niên đại: 800.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai;
- Thạp đồng Văn hoá Đông Sơn, niên đại: Cách ngày nay 2200 – 2300 năm (thế kỷ III – II trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh;
- Thạp đồng Kính Hoa, niên đại: Thế kỷ III – II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội;
- Sưu tập đàn đá Bình Đa, niên đại: Từ 3000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai;
- Mukhalinga Ba Thê, niên đại: Thế kỷ VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang;
- Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, niên đại: Nửa sau thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Khu di tích Thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định;
- Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội…
Đến nay, Việt Nam đã có 264 bảo vật quốc gia. Theo Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Mỗi năm, Thủ tướng xét công nhận bảo vật quốc gia một lần.
Từ khóa bảo vật quốc gia thềm đá điện Kính Thiên cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn