Bảo vật của triều Nguyễn nhiều đến mức nào?
- Minh Nhật
- •
Những năm gần đây, nhiều cổ vật triều Nguyễn (1802 – 1945), trong đó, có nhiều bảo vật bằng vàng, bạc, đá quý được đấu giá công khai ở London, Paris, New York… hay được rao bán trên các trang web chuyên về cổ vật và nghệ thuật phẩm như eBay hay Spink. Đây quả là điều đáng buồn cho những ai quan tâm và yêu quí cổ vật Việt Nam nói chung và bảo vật của triều Nguyễn nói riêng.
Phần lớn các bảo vật này được đưa ra nước ngoài từ trước năm 1975, theo nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau, nhưng phần lớn đều là phi pháp.
Năm 1862, sau khi để mất 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ vào tay thực dân Pháp và phải ký Hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn đã huy động rất nhiều vàng bạc và các cổ vật để đền trả số chiến phí 4 triệu piastre (đơn vị tiền tệ 3 nước Đông Dương thời thuộc địa Pháp) được quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc cho Pháp. Vua Tự Đức (1848 – 1883) đã phải thu gom gần như toàn bộ vàng thoi, bạc nén trong quốc khố để bồi thường chiến phí. Do quốc khố không có đủ vàng thoi để bồi thường chiến phí nên vua Tự Đức phải thu hồi một số bảo vật bằng vàng và bằng bạc đang trưng bày trong các cung điện, đúc thành thoi vàng và nén bạc trả để trả cho người Pháp.
Năm 1869, vua Tự Đức ra lệnh cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa… nộp lại kim ấn (ấn bằng vàng) và kim sách (sách phong bằng vàng) mà triều đình đã ban cho họ trước đây, đúc thành 135 đĩnh vàng để triều đình tiêu dùng. Sau đó, vua Tự Đức đã cải cấp (cấp lại) cho họ những chiếc ấn và những sách phong làm bằng đồng.
Ngày 5/7/1885, quân Pháp đánh chiếm Kinh Thành Huế, vua Hàm Nghi và hoàng gia xuất bôn ra Quảng Trị, rồi ra Hà Tĩnh, đem theo một số vàng bạc, châu báu để tiêu dùng. Trong lúc ấy, quân Pháp tràn vào cướp bóc tất cả đồ đạc quý giá đang trưng bày và thờ tự trong các cung điện ở trong Đại Nội. Theo ghi chép của linh mục Siefert, người có mặt ở Huế lúc bấy giờ thì:
“Với những bản mục lục về tài sản đã có trước ngày 5-5-1885 cầm tay, người Pháp đã lấy ở nhà, các đội thân binh: 113 lượng vàng, 742 lượng bạc, 2.627 quan tiền. Tại cung thái hậu Từ Dũ – thân mẫu vua Tự Đức: 228 viên kim cương, 266 đồ nữ trang nạm kim cương, ngọc trai và đá quý, 271 đồ dùng bằng vàng; Tại các tôn miếu thờ các vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị thì hầu hết các thứ có thể mang đi như mũ miện, đai áo, thảm đệm, triều phục, long sàng và bàn xoay có chạm trổ, các giá treo vũ khí, hộp đựng trầu để thờ, ống nhổ, chậu quán tẩy bằng vàng; hỏa lò, mùng và màn thêu hoa, đỉnh trầm, ấm trà và khay chén, tăm xỉa răng… đều bị cướp. Tại các ngân khố hoàng gia, cướp đi một số vàng, trị giá khoảng 24 triệu franc…”
(J. Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, Paris, Éditions Sociales, 1955, p. 134).
Còn Khâm sứ Rheinart trong một bản tường trình gửi Toàn quyền Richaud vào ngày 28-2-1889, viết: Ngày 5-7-1885, trong vụ bạo động Huế, quân Pháp cướp đi nhiều báu vật. Một sự việc vô cùng xấu hổ xảy ra lúc đó: Một con voi làm bằng vàng, rất kỳ công và có giá trị lớn bị cưa làm đôi vì 2 gã kình địch. Gã nào cũng muốn giành phần cho mình cái chất nguyên liệu của đồ vật ấy.
Ngay bản thân tướng De Courcy, người chỉ huy cuộc tấn công kinh đô Huế, vào ngày 24-7-1885 đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện. “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng” – De Courcy đề nghị.
Phần lớn những bảo vật cướp bóc trong đợt này đã được người Pháp chuyển về Paris.
Sau khi vua Đồng Khánh (1885 – 1889) lên ngôi vào tháng 9/1885, người Pháp đã trả lại cho triều đình nhà Nguyễn một số kim bảo, ngọc tỉ và kim sách. Triều đình đã cho chuyển những bảo vật này về bảo quản và thờ trong điện Phụng Tiên. Trong số đó có một cuốn kim sách khắc bài Tự chế mạng danh thi của vua Minh Mạng và một nén vàng lớn, gồm hai nửa, nặng gần 2 kg, trên đó có khắc dòng chữ Hán (phiên âm): Thế tổ Đế hậu, Quý Mão bá thiên thời tín vật (Tín vật vào năm Quý Mão – 1783 – của Thế tổ Cao hoàng đế và hoàng hậu). Đây là nén vàng mà Nguyễn Ánh đã chặt làm đôi, rồi ông và bà Tống Thị Lan, vợ cả của ông, mỗi người giữ một nửa để làm tín vật, trước khi ông trốn ra đảo Phú Quốc vì bị quân Tây Sơn truy đuổi.
Đến đời Duy Tân (1907 – 1916), triều đình lại chuyển các bảo vật này về cất giữ trong điện Cần Chánh ở bên trong Tử Cấm Thành. Ngoài kim bảo, ngọc tỉ, kim sách… của vua, hoàng phi, hoàng tử và công chúa, còn có một hổ phù bằng vàng, gồm hai mảnh, gọi là phù tín. Khi vua xuất cung thường phải mang theo một mảnh của hổ phù này. Khi trở về, vua phải đưa mảnh hổ phù này cho lính canh để ráp với mảnh còn lại, nếu thấy khớp với nhau thì nhà vua mới được nhập cung. Tuy nhiên, trong lần kiểm kê tài sản trong điện Cần Chánh do ông Paul Boudet thực hiện vào năm 1942, thì không thấy kê tên hổ phù bằng vàng này.
Cuộc kiểm kê này còn cho biết: vào lúc bấy giờ trong điện Cần Chánh còn lưu giữ 46 kim ấn và ngọc tỉ, 26 kim sách, trong đó có 3 kim sách khắc các bài Thánh chế mạng danh kim sách và nhiều kim sách khác đề niên hiệu các vua: Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Ngoài ra, còn có một số sách phong bằng bạc mạ vàng do triều đình tấn phong cho các hoàng thái hậu và thái tử. Tất cả những bảo vật này dường như biến mất sau ngày nhà Nguyễn cáo chung.
Tài liệu tham khảo:
- Bài viết “Thăng trầm cổ vật triều Nguyễn” của Quang Nhật trên báo nld.com.vn
- Bài viết “Chuyện mất và bán bảo vật của triều Nguyễn ở nước ngoài” của Trần Đức Anh Sơn trên tapchicovat.vn
- Ảnh do Fanpage Sử Văn Các tổng hợp. Mời ghé thăm để xem toàn bộ hình ảnh.
Minh Nhật
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đồ cổ nhà Nguyễn bảo vật