Việt Nam công bố sẽ mở ít nhất một nhà máy sản xuất vắc-xin COVID-19 vào đầu năm 2022
- Nguyễn Sơn
- •
Dự kiến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 đi vào hoạt động, cung cấp cho nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu. Hiện Bộ Y tế được giao đánh giá tổng thể nhu cầu vắc-xin, bao gồm cả vắc-xin cho người trên 18 tuổi và trẻ em dưới 18 tuổi.
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo chính thức các kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp 13/10 về thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng ngừa dịch COVID-19 (266.signed).
Theo công bố từ đại diện Chính phủ, Bộ Y tế cho hay Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên với công suất đủ lớn; dự kiến đầu năm 2022 sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vắc-xin đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu vắc-xin cho người đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, bộ này được giao cập nhật các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phòng ngừa dịch COVID-19, tự tổ chức, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phía Bộ Y tế được yêu cầu nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý để thúc đẩy các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, cấp phép… đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép để sớm chủ động được vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị… dùng trong phòng ngừa dịch COVID-19.
Bộ này đồng thời được yêu cầu đưa ra dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh, nhu cầu các loại vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị sử dụng trong phòng ngừa dịch COVID-19; đưa ra phương án nhập khẩu, mua trong nước cụ thể để vừa tiết kiệm, hiệu quả vừa khuyến khích phát triển công nghiệp y dược trong nước.
Yêu cầu đánh giá tổng thể nhu cầu vắc-xin là bao gồm cả vắc-xin cho người trên 18 tuổi và trẻ em dưới 18 tuổi. Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế ban hành, cập nhật hướng dẫn về tiêm vắc-xin đủ liều cho các lứa tuổi; tiêm tăng cường; tiêm kết hợp các loại vắc-xin…
Với thuốc điều trị COVID-19, Bộ Y tế được giao báo cáo hàng tuần về việc cập nhật các phác đồ điều trị từ sớm, điều trị tại nhà. Trong đó, lưu ý kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị, thuốc bổ trợ, đặc biệt là thuốc điều trị từ sớm, điều trị tại nhà; đồng thời đưa ra phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại thuốc.
Với sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, Bộ Y tế cũng phải báo cáo hàng tuần cập nhật, hướng dẫn, cấp phép sử dụng các công nghệ xét nghiệm mới hiệu quả hơn trên thế giới; đưa ra phương án cụ thể nhập khẩu đối với từng loại sinh phẩm, thiết bị, phương án người dân tự xét nghiệm; cập nhật hướng dẫn người dân tự xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp để định hướng các doanh nghiệp sản xuất các bộ kit xét nghiệm theo hướng “thuận tiện, tiết kiệm nhất”…
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa nhà máy vắc-xin COVID-19 Dòng sự kiện tiêm vắc-xin cho trẻ em