Việt Nam dừng hoàn toàn công nghệ 3G vào tháng 9/2028
- Minh Long
- •
Tại Việt Nam, cả 2 công nghệ 2G và 3G đều đã được xây dựng kế hoạch dừng hoạt động. Công nghệ 2G được thực hiện theo 2 giai đoạn 2024 và 2026; còn 3G thì tới năm 2028.
Tại buổi tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?” vào ngày 18/7, đại diện Bộ TT&TT cho hay công nghệ 2G, 3G đều là công nghệ cũ, 2G là công nghệ cũ hơn; hầu hết thiết bị mạng 2G của các doanh nghiệp di động đã hết khấu hao, đa phần là các thiết bị lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn, hiệu suất sử dụng tần số không cao, một số thiết bị không còn nguồn cung ứng để thay thế, sửa chữa.
Do vậy, việc dừng công nghệ 2G đã được đồng thuận và thể hiện tại thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz. Ngoài ra, dựa trên việc triển khai mạng 3G, việc sử dụng tần số của doanh nghiệp, hiện nay đã có doanh nghiệp lên kế hoạch dừng công nghệ 3G.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom, khẳng định hiện nay, gần như trên mạng lưới Viettel không còn thuê bao 3G, chỉ còn một số điểm hotspot (điểm truy cập không dây cho phép người dùng kết nối các thiết bị di động vào mạng Internet – PV) để phục vụ truyền dẫn.
“Hiện Viettel đang tích cực chuyển đổi khách hàng 2G lên 4G. Cuối năm 2024, khách hàng Viettel chỉ là các thuê bao 4G và 5G”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, nói hiện nay 77 nước đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G, đa phần đều dừng vào 2028, chỉ có hai nước dự kiến dừng 2030. Trong đó, 37 nước đã hoàn toàn dừng công nghệ 2G.
Về lộ trình tắt sóng 3G, theo ông Nhã, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, sao cho ảnh hưởng tác động đến người sử dụng ít nhất có thể, các công nghệ nên có lộ trình chuyển đổi mềm, được chuyển qua các giai đoạn.
Cụ thể, công nghệ 2G sẽ được ngừng theo 2 giai đoạn. Còn với công nghệ 3G, người dùng vẫn có thể sử dụng, nhưng thời hạn sử dụng cuối cùng của công nghệ này cũng chỉ là đến tháng 9/2028.
Ngoài Viettel đã ngừng 3G, các nhà mạng khác như VinaPhone, MobiFone đi theo hướng là chỗ nào lưu lượng 3G không còn, thuê bao đầu cuối 3G không còn trên mạng thì họ sẽ dừng phát sóng ở khu vực đó; Nhưng vẫn duy trì công nghệ 3G của mình để đảm bảo người sử dụng đang có thiết bị đầu cuối 3G, hay đang dùng thiết bị 4G không có VoLTE vẫn có thể sử dụng mạng.
“Việc cùng xây dựng một chính sách dừng các công nghệ cũ 2G, 3G đồng hành với nhau, và có một khoảng thời gian duy trì tương đối dài, từ nay đến năm 2028, sẽ tạo điều kiện để người dùng có bước chuyển đổi sang công nghệ 4G một cách từ từ. Điều này cũng tạo điều kiện để các nhà mạng có thời gian bố trí nguồn lực, đầu tư và tối ưu mạng lưới, chuyển đổi các thuê bao của mình sang công nghệ 4G, 5G. Chính sách này đã nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà mạng. Tôi hy vọng lộ trình chuyển đổi sẽ được thực hiện thành công”, ông Nhã nói.
Tại châu Á – Thái Bình Dương, làn sóng 5G đầu tiên đã có mặt tại Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand, tiếp đến là Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Theo hãng nghiên cứu ABI Research, nhà mạng châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương sẽ dẫn đầu về tắt mạng 2G, 3G. Trong giai đoạn năm 2019 đến 2030, các nhà phân tích ước tính 13 hãng viễn thông trong khu vực tắt mạng 3G. Đứng sau châu Á là châu u với 4 nhà mạng, châu Phi và Nam Mỹ 2 và Bắc Mỹ 1.
Với mạng 2G, châu Á – Thái Bình Dương và châu Đại Dương sẽ ghi nhận 9 nhà mạng tắt sóng trước năm 2030. Trong khi đó, 3 nhà mạng tại châu Phi, Bắc Mỹ và châu u và một tại Nam Mỹ làm điều tương tự.