Việt Nam lên tiếng về Báo cáo tự do tôn giáo của Mỹ
- Minh Long
- •
Phía Việt Nam nhận định báo cáo tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam từ phía của Mỹ là thiếu khách quan.
Hôm 18/5, trả lời báo chí nhà nước về những thông tin liên quan tới Việt Nam được nêu trong Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới năm 2022, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho rằng “là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.
Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam, trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.
“Báo cáo tuy đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong thúc đẩy tự do tôn giáo và trích dẫn một số thông tin chính thống của các cơ quan chính phủ Việt Nam; song vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”, bà Hằng nêu.
Trước đó, ngày 15/5, Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố bản phúc trình thường niên 2022 về tình trạng tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo cho biết hầu hết các lãnh đạo tôn giáo ở khu vực thành thị cho biết chính quyền thường cho phép họ hành đạo miễn là họ hợp tác với chính quyền và hành động theo các yêu cầu pháp lý và hành chính áp dụng cho các tổ chức tôn giáo.
Trong khi đó, các giáo phái tôn giáo không được công nhận ở Tây Nguyên và Tây Bắc và ở một số vùng của Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những nơi có tín đồ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thì bị quấy rối bởi các quan chức chính phủ.
Nhiều thành viên của các nhóm tôn giáo bị sách nhiễu cũng tham gia vào các hoạt động vận động nhân quyền hoặc có liên hệ với các cá nhân và tổ chức chỉ trích chính quyền.
Đây là năm thứ tư liên tiếp chính quyền Việt Nam không công nhận bất kỳ tổ chức tôn giáo mới nào, kể cả chi nhánh của các nhóm lớn hơn đã được phê duyệt trước đó. Một ví dụ được viện dẫn là Giáo hội Báp-tít Việt Nam trong năm đã nộp khoảng 40 đơn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập thể tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng rất ít đơn được duyệt.
Trước đó, ngày 30/11/2022, Ngoại trưởng Blinken đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì đã tham gia hoặc dung túng cho những vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
Ngày 1/5, Ủy hội Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) công bố báo cáo đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục đưa Việt nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về các hành vi đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng, theo định nghĩa của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).
Từ khóa Tự do tôn giáo Tư do tín ngưỡng Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng