Sáng ngày 17/7, Việt Nam đã nộp Hồ sơ Đệ trình Ranh giới Thềm Lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của nước này tại Khu vực Giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa Liên Hiệp quốc (CLCS).

viet nam nop ho so de trinh ranh gioi them luc dia mo rong len lien hiep quoc
Đại sứ Đặng Hoàng Giang – Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nộp Hồ sơ đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở Khu vực giữa Biển Đông cho đại diện Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp Quốc. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Hồ sơ do Đại sứ Đặng Hoàng Giang – Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp Quốc ở New York và Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia – Đại sứ Trịnh Đức Hải làm trưởng đoàn đệ nộp.

Theo đó, khi quốc gia ven biển có thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven biển cần phải nộp Đệ trình về các thông tin và dữ liệu liên quan để Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hiệp quốc xem xét và ra khuyến nghị về ranh giới của thềm lục địa mở rộng.

Trong cùng ngày 17/7 Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng ra Tuyên bố về việc nộp hồ sơ như vừa nêu.

Tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền của Việt Nam đối với những vùng biển ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

viet nam nop ho so de trinh ranh gioi them luc dia mo rong len lien hiep quoc2
Bản đồ các đường yêu sách thềm lục địa mở rộng tại Biển Đông. (Ảnh: dav.edu.vn)

Hôm 21/6 vừa qua, Việt Nam lên tiếng lặp lại khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Philippines trước đó vào ngày 14/6 đệ trình hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng lên CLCS.

Hà Nội yêu cầu Manila tôn trọng các quyền lợi của Việt Nam trên biển khi thực hiện động thái đệ trình hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng như thế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: ” Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.”

Hồi năm 2009, Việt Nam hoàn thành hai đệ trình: Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng Khu vực Bắc Biển Đông (VNM-N) và Đệ trình  Ranh giới thềm lục địa khu vực Giữa Biển Đông (VNM-C); đồng thời hợp tác cùng Malaysia xây dựng Đệ trình chung Ranh giới thềm lục địa mở rộng đối với Khu vực Nam Biển Đông.

Vào tháng 5/2009, Việt Nam đã nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở Khu vực Bắc Biển Đông (VNM-N), và nộp đệ trình chung với Malaysia về ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý đối với Khu vực Nam Biển Đông lên CLCS.

Việt Nam và Philippines là hai trong những nước có tranh chấp chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông cùng với Trung Quốc, Đài Loan, Brunei và Malaysia.

Riêng Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở La hay vào tháng 7/2016 tuyên không có cả hiệu lực về pháp lý lẫn lịch sử.

Khánh Vy