Trong tổng số gần 300 trận động đất, có tới 95% số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

huyen kon plong
Trong tổng số gần 300 trận động đất, có tới 95% số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: earth.google.com)

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), từ ngày 1/1 đến 31/8 đã ghi nhận tổng số 282 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,4 độ Richter xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong tổng số gần 300 trận động đất, có tới 95% số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 7/2023, Việt Nam xảy ra 93 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,2 độ Richter. Trong đó, khoảng 90 trận động đất kích thích xảy tại huyện Kon Plông.

Các trận động đất còn lại xảy ra tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Đỉnh điểm là ngày 7/7, đã liên tiếp xảy ra 15 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,2 độ Richter tại huyện Kon Plông.

Còn trong tháng 8/2023, có gần 40 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,6 độ Richter, chủ yếu là động đất xảy ra tại huyện Kon Plông.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, động đất xảy ra liên tục tại Kon Tum. “Qua quan trắc, bước đầu chúng tôi đánh giá nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa”, ông Anh nói.

Theo ông Anh, động đất có thể được phân làm 2 loại: Có nguồn gốc tự nhiên và do hoạt động của con người. Động đất tự nhiên hình thành do quá trình tích lũy năng lượng phát sinh bởi các đứt gãy kiến tạo hoặc ở vùng có phun trào núi lửa… tạo nên. Trong khi đó, động đất kích thích do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân.

“Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước…”, ông Anh giải thích.

Ông Anh nói thêm rằng hiện tượng động đất kích thích này tương tự đã từng xuất hiện tại Thủy điện sông Tranh năm 2012 và đến nay vẫn còn động đất ở đây. Các trận động đất lớn thường kèm theo tiền chấn và dư chấn nên động đất sẽ thường xuất hiện theo chuỗi.

“Mặc dù các trận động đất có độ lớn nhỏ, không có khả năng gây ra thiệt hại, nhưng để khẳng định nguyên nhân, dự báo xu thế hoạt động, độ lớn của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện vẫn cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận”, ông Anh cho hay.

Từ tháng 6/2021, đơn vị này đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm có thể xảy ra.

Đầu tháng 9/2022, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại Thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm.

Minh Long