Hơn 100 tấn cá nuôi trên diện tích mặt nước gần 197 ha, nay bị dồn vào khu vực khoảng 2 ha mặt nước. Nước cạn, thời tiết khô nóng khiến cá chết ngộp lượng lớn.

cong an vao cuoc vu ca chet noi trang ho song may dong nai
Hơn 100 tấn cá mè, trôi, rô phi chết ngộp do hồ Sông Mây cạn nước, thiếu oxy. (Ảnh: baotrithuccuocsong)

Từ ngày 29/4, người dân phản ánh lên mạng xã hội về tình trạng cá chết hàng loạt, bốc mùi hôi thối tại hồ Sông Mây (rộng hơn 300ha, thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Được biết, tình trạng cá chết tại hồ Sông Mây đã diễn ra khoảng 1 tuần qua. Từ ngày 28/4, cá chết với mật độ dày đặc.

Báo Đồng Nai đưa tin chiều 29/4, Công an huyện Trảng Bom, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai) và Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa – Thống Nhất – Vĩnh Cửu – Trảng Bom (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai) đã làm việc tại hồ sông Mây (huyện Trảng Bom) về tình trạng cá chết.

Đoàn công tác ghi nhận hiện trường có trên 100 tấn cá bị chết. Số cá trên là do Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây nuôi theo hợp đồng với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai. Hiện cá trong hồ đã chết gần hết, số lượng còn sót lại không đáng kể.

Theo thông tin từ Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây, hơn 100 tấn cá các loại được trên diện tích mặt nước gần 197 ha, tính tại thời điểm cao trình đỉnh đập. Hiện tại, diện tích mặt nước chỉ còn khoảng 2 ha; độ sâu mặt nước rất thấp, nơi sâu nhất cao khoảng 1m so với đáy hồ.

Một góc hồ Sông Mây đục ngầu, cá chết dạt lên bờ, nổi khắp mặt nước. (Nguồn: Lê Thi Lài/Facebook)

Theo UBND huyện Trảng Bom, bước đầu xác định cá chết hàng loạt là do quá trình thực hiện dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây, đơn vị thi công đã xả nước, cùng với thời tiết khô hạn khiến cá chết hàng loạt (lượng nước bổ sung cho hồ chủ yếu là từ các suối tự nhiên và nước mưa), báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin.

Trong khi đó, ông Trung Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai (đơn vị thi công) cho rằng bên chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai) điều tiết nước tưới cho vùng hạ lưu công trình, đơn vị thi công không can thiệp được, theo báo Tuổi Trẻ.

Tại hiện trường, đơn vị thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây vẫn đang làm việc. Nắng hạn kéo dài, hồ bị xả nước khiến lòng hồ trơ đáy, nứt nẻ. Cá chết hàng loạt bốc mùi hôi thối.

Dự án cải tạo đập thủy lợi và nạo vét hồ Sông Mây do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư, khởi công vào đầu năm 2024, dự kiến thời gian thực hiện là 15 tháng.

Lòng hồ nứt nẻ do cạn nước. Phía xa là dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây đang được thi công. (Nguồn: B.Minh Hiếu/Facebook) 

Chủ đầu tư đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thu hoạch các sản phẩm nuôi trồng thủy sản và di dời máy móc công cụ có liên quan trong phạm vi lòng hồ trước ngày 31/12/2023 và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Phía chủ đầu tư sẽ không chịu trách nhiệm cho bất cứ thiệt hại về vật chất, tài sản nào xảy ra trong quá trình thi công dự án.

Được biết, trong quá trình thi công dự án, Đội nuôi trồng thủy sản kiến nghị cần duy trì khoảng 1 triệu m3 nước để lượng cá chưa kịp khai thác trong hồ sinh sống.

Hơn 300 ha hồ Sông Mây do Đội Nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây (thuộc Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai) trực tiếp quản lý, khai thác việc nuôi trồng, đánh bắt cá mấy chục năm qua. Theo tin công bố, một phần cá đánh bắt được dùng để cung cấp làm thực phẩm cho lực lượng quân đội thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, một phần bán cho các đơn vị chuyên thu mua để cung cấp cá cho các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành lân cận.

Nguyễn Sơn