24 năm ngày chuyển giao chủ: Người Hồng Kông mặc áo đen biểu đạt thái độ
- Lý Hoài Quất
- •
Hôm nay là ngày 1/7, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và 24 năm ngày chuyển giao chủ quyền cho Hồng Kông. Như những năm trước, sáng nay “Liên minh Dân chủ Xã hội”, tổ chức phi chính phủ của Hồng Kông, đã biểu tình bên ngoài nơi tổ chức lễ thượng cờ của Chính phủ Hồng Kông.
Trước đó, 3 nhóm thành viên của Liên minh Dân chủ Xã hội (LSD) đã bị từ chối đăng ký tham gia cuộc diễu hành ngày 1/7, đơn khiếu nại cũng bị bác bỏ. Anh Hoàng Hạo Minh (Raphael Wong), Chủ tịch của LSD và các tổ chức khác sẽ tiếp tục thành lập các trạm đường phố vào ngày hôm nay, để lên tiếng bảo vệ công chúng. Anh Hoàng cũng kêu gọi ngày 1/7 toàn bộ người Hồng Kông mặc áo đen, toàn dân bày tỏ quan điểm.
Chính quyền Hồng Kông đã tổ chức lễ thượng cờ tại Quảng trường Golden Bauhinia vào lúc 8:00 giờ sáng nay. Các thành viên của Liên minh Dân chủ Xã hội đã ra bên ngoài biểu tình với biểu ngữ “Hãy thả tất cả tù nhân chính trị”.
Anh Hoàng Hạo Minh, Chủ tịch LSD, bà Trần Bảo Oánh – Phó tổng thư ký, ông Tăng Kiến Thành (Bull Tsang) – Ủy viên Hội đồng Quận Đông, và anh Chu Gia Phát (Chau Dickson) – thành viên, 4 người này đã diễu hành từ Sân vận động Southorn đến khu vực biểu tình được chỉ định bên cạnh khách sạn Renaissance Harbour View. Trong cuộc diễu hành, bốn người đã giương cao biểu ngữ và hai chiếc đèn lồng có dòng chữ “Chớ quên tâm nguyện thuở đầu”, “Chúc mừng 100 năm”, và hô khẩu hiệu. Hàng chục cảnh sát túc trực giám sát họ.
Anh Hoàng Hạo Minh mô tả việc triển khai lực lượng cảnh sát hôm nay căng thẳng “như gặp kẻ thù lớn”, và Hồng Kông thực sự sẽ trở thành một quốc gia cảnh sát. Hôm qua, cô Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang Tung) Phó chủ tịch Liên minh Hồng Kông (Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc) bất ngờ bị bắt. Anh Hoàng chỉ trích hành động răn đe người dân Hồng Kông này là “rất không nên sử dụng”.
Chính phủ muốn “phân mảnh” cộng đồng Hồng Kông
Trước đó, 3 tổ chức chính trị gồm Liên minh Dân chủ Xã hội (LSD) cùng với Tin Shui Wai Connection và Liên minh Save Lantau, đã nộp đơn đăng ký tham gia cuộc diễu hành ngày 1/7. Nhưng cảnh sát đã đưa ra thông báo phản đối và đơn kháng cáo cũng bị bác bỏ. Do đó, ngày hôm nay LSD cùng với Hiệp hội Công đoàn, đã thành lập các trạm đường phố tại các khu vực trung tâm trong thành phố, như Vịnh Causeway Bay và Mong Kok, để tiếp tục lên tiếng bảo vệ công chúng.
Anh Hoàng Hạo Minh kêu gọi toàn bộ người Hồng Kông mặc áo đen vào ngày hôm nay, để biểu đạt thái độ của họ. “Người Hồng Kông chúng ta hãy đứng lên và mặc quần áo đen để bày tỏ thái độ phản đối việc chính phủ tô vẽ cảnh thái bình.” Anh cũng nói với những người bạn cùng tuyến đường khác, rằng hóa ra mọi người đều có nhiều chiến hữu như vậy. Hãy nhớ “5 yêu cầu không thể thiếu 1” trong cuộc kháng nghị chống Dự luật Dẫn độ.
Anh nói rằng trước khi thực thi Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông vào năm ngoái, ông Hàn Chính và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã nhấn mạnh rằng luật này chỉ nhằm vào một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật. Nhưng sự thực có phải vậy không?
Năm nay, lễ thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6 ở Hồng Kông, và cuộc diễu hành ngày 1/7 đều bị cấm. Tờ Apple Daily, tờ báo đã đồng hành cùng người dân Hồng Kông suốt 26 năm, cũng đã bị đóng cửa. Anh Hoàng chất vấn: Đây là việc chỉ ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ thôi sao?
Anh cũng chỉ ra rằng người dân Hồng Kông hiện đang lo lắng rằng họ sẽ bị chính quyền quy trách nhiệm khi nói sai điều gì đó và sẽ bị cảnh sát chặn lại nếu họ mặc áo đen. Giáo viên trong trường lo lắng về việc bị học sinh và phụ huynh tố cáo, từ đó bị văn phòng giáo dục hủy giấy phép giáo viên của họ. Giới truyền thông lo lắng về việc một ngày nào đó, giống như những nhà báo của Apple Daily, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bắt tương tự …
Anh chỉ trích rằng một nhóm nhỏ bị ảnh hưởng bởi Luật An ninh Quốc gia là lời nói dối trắng trợn không hề chớp mắt. Luật An ninh Quốc gia đã trở thành vũ khí để nhà cầm quyền đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Anh cũng chỉ ra rằng Đặng Tiểu Bình đã giết 200 người để đổi lấy 20 năm ổn định, và hiện giờ chính quyền Hồng Kông đang bắt giữ 2.000 người, 20.000 người để đổi lấy 20 năm quyền lực. Đây là những mưu tính của ĐCSTQ.
Các nhà chức trách dự định sẽ buộc tất cả các tổ chức dân sự ở Hồng Kông phải giải thể trong vài năm tới, bao gồm Liên minh Dân chủ Xã hội, Liên minh Hồng Kông và “tất cả các phe dân chủ. Những tiếng nói cất lên cùng người dân, bảo vệ sự thật và bảo vệ công lý sẽ bị xóa sổ.”
Anh nhấn mạnh rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ phá vỡ mối ràng buộc giữa người dân Hồng Kông, phá vỡ quyền lực của nhóm, khiến người dân Hồng Kông trở thành những cá nhân bị cô lập và trở thành nhóm “thiểu số”. Cuối cùng, sẽ không có những buổi diễu hành, hội họp, và bỏ phiếu trong xã hội.
Năm 2019, có 1 triệu đến 2 triệu người Hồng Kông cùng chung niềm tin và nguyện vọng đã bước xuống đường kháng nghị. Nếu ngày nay người Hồng Kông từ bỏ tâm nguyện ban đầu và ngừng chiến đấu, họ sẽ bị mắc kẹt trong cái lồng ý thức hệ của chính phủ.
“Nghĩa là ngay cả khi chúng ta không phải ở trong tù, nhưng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta đã bị đặt trong một cái lồng tối tăm.” Chính phủ muốn người dân sợ hãi, khiếp đảm và không dám tiếp tục lên tiếng. Họ muốn cắt đứt mối liên hệ giữa mọi người. “Đây chính là hiệu ứng khủng bố trắng và sự ớn lạnh do chính phủ tạo ra.”
Anh Hoàng Hạo Minh nói rằng các tổ chức dân sự như Công đoàn và Liên minh Dân chủ Xã hội vẫn khăng khăng rằng họ không muốn chính phủ “chia rẽ” toàn bộ người Hồng Kông. “Chúng ta phải chống lại sự đàn áp chính trị.”
Ngày 1/7 không phải là ngày thống nhất mà là ngày của sự im lặng
Công đoàn cũng sẽ thành lập một trạm đường phố trong ngày hôm nay. Ông Đặng Kiến Hoa (Leo Tang), Bí thư Liên hiệp Công đoàn, nói rằng trong mắt chính phủ, ngày 1/7 là ngày thống nhất và là ngày của toàn dân. Nhưng trong mắt của người Hồng Kông chân chính, ngày 1/7 là ngày của sự im lặng. Vì vậy, các đoàn thể công dân sẽ tiếp tục lên tiếng bảo vệ công chúng vào ngày 1/7.
Ông than thở rằng Hồng Kông trong năm 2021 ngày càng càng có nhiều người mất tích. Ví dụ, ga Bãi Nhai ban đầu là nơi sinh hoạt hàng ngày của các tổ chức công đoàn, nhưng năm nay nó đã bị đàn áp. Rõ ràng người ta cảm nhận được nỗi kinh hoàng về sự biến mất dần dần của Hồng Kông. “Ngày qua ngày, các trạm đường phố của chúng ta ngày càng phải chịu đựng nhiều hơn sự giám sát và bạo lực của cảnh sát.”
Năm nay, cuộc diễu hành truyền thống ngày 1/5 do công đoàn tổ chức đã bị tước quyền. Buổi thắp nến tưởng niệm tại Công viên Victoria ngày 4/6 đã bị hủy bỏ. Ngày 1/7, một ngày mà người dân Hồng Kông cùng lên tiếng, đã không thể tiếp tục tổ chức các cuộc diễu hành. Tờ “Apple Daily” đưa tin trên các nhà ga đường phố cũng bị buộc phải đình chỉ xuất bản. “Anh em của chúng ta lần lượt bị đưa vào tù, không biết khi nào họ mới được thả.”
Ngày nay, “Văn tự ngục” (những bài văn, bài thơ, v.v. đã khiến tác giả của chúng lâm vào cảnh tù đày và chết chóc, một hình thức kiểm duyệt ngôn luận cực đoan và tàn khốc) đã đến Hồng Kông. Tuy nhiên, dẫu phải đối mặt với áp lực chính trị, ông hy vọng người dân Hồng Kông có thể thấy rằng vẫn có những người sẵn sàng lên tiếng trong ngày 1/7.
Ngoài ra, Liên minh Dân chủ Xã hội cũng đã đăng trên mạng xã hội, rằng Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, mới được thực thi trong 1 năm, nhưng đã có hơn 100 người bị bắt giữ, các tổ chức dân sự liên tục bị đe dọa, các kênh truyền thông liên tiếp bị đàn áp, quyền tự do và nhân quyền của người dân Hồng Kông đã nhanh chóng sụp đổ.
Dưới lớp vỏ bọc “An ninh quốc gia”, nhà cầm quyền đã giết những người bất đồng chính kiến và chà đạp nhân quyền. Để trả thù cho những lợi ích bị mất mát trong phong trào chống Dự luật Dẫn độ, họ đã không ngần ngại dập tắt phe đối lập bằng mọi giá. Đây là bạo hành kiểu phát xít “một nguyên tắc, một đảng, một lãnh tụ.”
Lý Hoài Quất, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ Ngày 1/7 Hồng Kông