25 năm qua, học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ tra tấn trong bệnh viện tâm thần
- La Quỳnh
- •
Trong hơn 25 năm đàn áp Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đối xử với các học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh như những “bệnh nhân tâm thần”, và cưỡng bức đưa họ đến bệnh viện tâm thần, sử dụng thuốc và tra tấn họ về cả tinh thần lẫn thể chất, nhằm buộc họ từ bỏ đức tin, khiến họ bị ngược đãi đến mức tàn tật, mất trí hoặc tử vong.
Bài viết này sẽ tiết lộ mục đích, thủ đoạn và hậu quả khi ĐCSTQ sử dụng bệnh viện tâm thần để bức hại các học viên Pháp Luân Công và vạch trần những bí mật đen tối phía sau.
ĐCSTQ sử dụng bệnh viện tâm thần nhằm “chuyển hóa”
‘Luật Sức khỏe Tâm thần’ do ĐCSTQ ban hành năm 2012 quy định: “Việc chẩn đoán rối loạn tâm thần phải dựa trên tình trạng sức khỏe tâm thần, và được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần đang hành nghề theo tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tâm thần”.
“Việc điều trị nội trú cho bệnh nhân rối loạn tâm thần phải dựa trên sự tự nguyện.”
Tuyên bố Hawaii (1977) và Tuyên bố Madrid (1996) được Hiệp hội Tâm thần Thế giới thông qua là những nguyên tắc mà các bác sĩ tâm thần tuân theo.
Tuyên bố Hawaii nêu rõ, không bệnh nhân nào được phép điều trị trái với ý muốn của mình, trừ khi bệnh nhân quá yếu để có thể bày tỏ mong muốn, hoặc gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho người khác. Tuyên bố Madrid cũng thiết lập đạo đức nghề nghiệp, rằng việc điều trị phải luôn vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân.
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã tùy tiện đưa các học viên Pháp Luân Công đến bệnh viện tâm thần để “chuyển hóa” (buộc họ phải từ bỏ việc tu luyện), mà không có bất kỳ thủ tục giám định nào.
Theo báo cáo điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20/7/1999, họ đã đưa ra chính sách “chuyển hóa” liên quan vào tháng 8.
Ngày 24/8, Tân Hoa Xã đã công bố một thông báo từ Văn phòng Trung ương ĐCSTQ và Văn phòng Quốc vụ viện, nêu rõ yêu cầu “nỗ lực hơn nữa để giáo dục, chuyển hóa và giải thoát cho phần lớn các học viên Pháp Luân Công”.
Từ đó trở đi, “chuyển hóa” đã trở thành mục tiêu đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, và là nhiệm vụ của các tổ chức từ trên xuống của ĐCSTQ, nhằm đàn áp Pháp Luân Công. Đây cũng là mục đích cuối cùng của tất cả những nơi ĐCSTQ giam giữ các học viên Pháp Luân Công.
Báo cáo thường niên năm 2008 của Ủy ban điều hành quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc định nghĩa “chuyển hóa” là “một quá trình tái cấu trúc tư tưởng, buộc các học viên Pháp Luân Công phải chịu nhiều sự cưỡng bức về thể chất và tinh thần cho đến khi họ từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.“
Cụ thể, “chuyển hóa” có nghĩa là ĐCSTQ buộc các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin vào “Chân, Thiện, Nhẫn” của họ, biến một người tốt thành người xấu.
Đồng thời, để “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã tiến hành đàn áp bằng thuốc độc. Theo Minghui.org, trong “Tài liệu tham khảo nội bộ chống ‘tà giáo’“ mà mỗi thành viên của “Phòng 610” (tổ chức phi pháp chuyên đàn áp Pháp Luân Công) đều có một bản sao, liên quan đến “phương pháp thực hiện chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công.
Tài liệu viết: “Khi cần thiết, có thể can thiệp bằng thuốc, sử dụng các phương pháp y tế và hướng dẫn thử nghiệm lâm sàng để đạt được mục tiêu chuyển hóa khoa học.”
Các trại giam, trại lao động, trại tạm giam, trung tâm tẩy não, nhà tù đen, nhà tù và các nơi giam giữ khác của ĐCSTQ, đã trở thành sào huyệt để “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Những học viên từ chối “chuyển hóa” sẽ bị đưa đến bệnh viện tâm thần và tiếp tục bị giam giữ. Họ bị ngược đãi bằng thuốc, tra tấn và các phương pháp khác.
Ngày 9/12/2000, học viên Pháp Luân Công người Mỹ Vương Vĩnh Sinh đã tiết lộ cách mẹ ông, bà Hàn Kỷ Trân, bị tra tấn tại Bệnh viện tâm thần Nam Kinh. Bà Hàn Kỷ Trân bị bắt cóc khi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 12/1999. Bà bị đưa trở lại Nam Kinh và đưa vào bệnh viện tâm thần, nơi bà bị tiêm và uống thuốc mỗi ngày.
Khi Vương Vĩnh Sinh từ nước ngoài trở về thăm mẹ, bác sĩ nói: “Bà ấy không nhập viện vì bệnh tâm thần, mà vì bà ấy tập Pháp Luân Công!” Trước Tết năm sau, mẹ ông đã được xuất viện và trở về nhà để đón năm mới.
Cảnh sát yêu cầu bà viết bảo đảm rằng sẽ không đi Bắc Kinh thỉnh nguyện, nếu không bà sẽ bị đưa trở lại bệnh viện tâm thần. Dưới áp lực rất lớn, mẹ ông đã viết thư bảo đảm trái với ý muốn của bà. Không ngờ, ngày hôm sau cảnh sát lại đến và bảo bà phải viết một thư cam kết không tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công.
Mẹ ông nói: “Tập Pháp Luân Công đã mang lại cho tôi những lợi ích to lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Làm sao tôi có thể không tập một công pháp tốt như vậy?”
Cảnh sát nói: “Có vẻ như bà vẫn còn vấn đề về tinh thần, chưa được chữa khỏi hoàn toàn. Bà vẫn cần điều trị thêm.” Mẹ ông lại bị đưa đến bệnh viện tâm thần và bị giam giữ hơn 2 tháng.
Trên thực tế, các bệnh viện tâm thần biết rằng các học viên Pháp Luân Công không bị bệnh tâm thần.
Hồ sơ bệnh án của các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp tại Bệnh viện tâm thần thành phố Tô Châu Thái Thương nêu rõ: “Vì đức tin không lay chuyển vào Pháp Luân Công, nên bị cơ quan công an cưỡng bức nhập viện. Tình trạng bệnh nhân: Tư duy rõ ràng, không có sự bất thường nào.”
Tuy nhiên, những học viên đó đã bị ép phải tiêm thuốc và uống thuốc. Đối với những học viên không chịu uống thuốc, bác sĩ sẽ tăng liều lượng thuốc.
Cuộc đàn áp có hệ thống do Ủy ban Chính trị và Pháp luật và “Phòng 610” kiểm soát
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của WOIPFG vào tháng 4/2003, trong 5 năm qua, ít nhất 1.000 học viên Pháp Luân Công khoẻ mạnh đã bị giam giữ cưỡng bức tại các bệnh viện tâm thần và trung tâm cai nghiện ma túy.
Tháng 4/2004, nhóm đã tiến hành một cuộc khảo sát hơn 100 bệnh viện (khoa) tâm thần tại 15 tỉnh ở Trung Quốc Đại Lục. 83% bệnh viện thừa nhận “điều trị” cho các học viên Pháp Luân Công, cho thấy họ không có bất kỳ triệu chứng nào về bệnh tâm thần, mà chỉ được nhận vào để “chuyển hóa“.
Theo số liệu thống kê từ Minghui.org, trong năm năm từ 2019 – 2023, các học viên Pháp Luân Công ở ít nhất hơn 20 tỉnh đã bị giam giữ và bức hại tại các bệnh viện tâm thần. Có thể thấy rằng hình thức đàn áp này đã được tiến hành một cách có hệ thống trên khắp Trung Quốc từ khi cuộc bức hại bắt đầu cho đến nay.
Sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Ủy ban Chính trị và Pháp luật và “Phòng 610” đã trở thành trung tâm chỉ huy cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Dưới sự thao túng của Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương và nhân viên “Phòng 610″, các học viên Pháp Luân Công ở những khu vực có liên quan sẽ bị đưa thẳng đến bệnh viện tâm thần.
Ngày 14/2/2000, học viên Pháp Luân Công Khuông Bản Thúy ở thành phố Giao Châu, tỉnh Sơn Đông đã bị cảnh sát bắt cóc trên đường đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Bà bị đưa đến Văn phòng Giao Châu ở Bắc Kinh và bị đưa thẳng đến bệnh viện tâm thần vào ngày hôm sau, dù khỏe mạnh và không cần tiêm hoặc dùng thuốc. Bà đã bị giam giữ ở đó 2 tháng.
Bà Ngô Hiểu Hoa, phó giáo sư kiêm giáo viên xuất sắc của Khoa Nghệ thuật Môi trường tại Học viện Kỹ thuật Xây dựng An Huy, cũng bị giam giữ tại Bệnh viện Tâm thần Hợp Phì vào ngày 23/10/2001, vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công.
Bà đã bị tiêm và ép uống thuốc làm tổn thương hệ thần kinh trung ương mỗi ngày. Sáu tháng sau, bác sĩ điều trị Lý Uyển nói với bà: “Tôi đã theo dõi trong một thời gian dài, bà thực sự không bị bệnh tâm thần.“
Bà Trương Liệt Cúc, giáo viên âm nhạc tại trường tiểu học Đẩu Hồ Đê, huyện Công An, thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, là giáo viên chủ chốt trong khu vực, từng tham dự Hội nghị khen thưởng công nhân tiên tiến toàn quốc.
Liêu Học Thánh từ “Phòng 610” huyện Công An đã đe dọa sẽ phân bổ 100.000 nhân dân tệ (13.700USD) để đưa các học viên Pháp Luân Công đến bệnh viện tâm thần nhằm “chuyển hóa” họ.
Tháng 3/2000, Trần Hoa Dân, hiệu trưởng trường tiểu học Đẩu Hồ Đề, đã dụ người nhà bà Trương Liệt Cúc và bắt cóc bà đến khu dành cho bệnh nhân tâm thần nặng tại Bệnh viện tâm thần Sa Thị.
Bà bị ép phải uống thuốc nhiều hơn gấp 10 lần so với bệnh nhân tâm thần thông thường, và bị tra tấn đến mức cận kề cái chết. Bệnh viện sợ phải chịu trách nhiệm nên đã báo cáo sự việc lên “Phòng 610”, nhưng câu trả lời họ nhận được là “nếu bệnh nhân tử vong không cần phải chịu trách nhiệm”.
Hệ thống công an đã lợi dụng Bệnh viện An Khang để cưỡng chế “điều trị”
Hệ thống công an cũng trực tiếp tham gia vào tội ác sử dụng bệnh viện tâm thần để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Trên danh nghĩa, Bệnh viện An Khang trực thuộc sở công an, cưỡng chế điều trị cho những bệnh nhân tâm thần vi phạm luật hình sự.
Tuy nhiên, từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, Bệnh viện An Khang đã tiếp nhận và đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Trên thực tế, bệnh viện An Khang khác với bệnh viện tâm thần thông thường. Bệnh viện này đóng vai trò “duy trì ổn định” và tiếp nhận những người được cho là “phá hoại nghiêm trọng trật tự công cộng” và “gây ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội”.
Hai nhãn này đều có thể tùy ý gắn cho các học viên Pháp Luân Công, những người bất đồng chính kiến và những người thỉnh nguyện. Công an đã đưa người đi mà không tiến hành bất kỳ thủ tục pháp lý hoặc giám định tâm thần nào.
Năm 2022, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Cưỡng bức dùng thuốc và giam giữ: Nhà tù tâm thần của Trung Quốc“, trong đó nêu rằng có khoảng 25 bệnh viện An Khang ở Trung Quốc do Bộ Công an hoặc cảnh sát quản lý.
Theo Luật Sức khỏe Tâm thần của ĐCSTQ, bệnh nhân nhập viện tâm thần phải được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng, và gây ra mối đe dọa cho bản thân hoặc người khác. Tuy nhiên, các nạn nhân bị giam giữ tại Bệnh viện An Khang có trong báo cáo trên đã nói với tổ chức rằng họ chưa được giám định về tình trạng tâm thần.
Ngày 26/5/2010, Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức “Hội nghị công tác toàn quốc Bệnh viện An Khang” tại Vũ Hán, Hồ Bắc. Hội nghị đề cập đến việc Bệnh viện An Khang đã tiếp nhận hơn 40.000 bệnh nhân tâm thần từ năm 1998 – 2010. Sự kiện này diễn ra gần như đồng thời với cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu vào năm 1999.
Sau cuộc họp, Cục Quản lý Trại giam Bộ Công an đã trả lời câu hỏi của phóng viên Tân Hoa Xã bằng một tuyên bố khoa trương: “Bệnh viện An Khang là một cơ sở chuyên khoa do cơ quan công an quản lý, để thực hiện các biện pháp y tế bắt buộc. Bệnh viện điều trị cho những người đã phạm tội giết người, gây thương tích, hiếp dâm, cướp bóc và các hành vi bạo lực khác, cũng như bệnh nhân tâm thần gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an sinh xã hội.”
Cơ quan quản lý cũng cho biết, bệnh viện An Khang tiếp nhận những bệnh nhân tâm thần phải điều trị y tế bắt buộc, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của công chúng khỏi bị xâm phạm, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính những bệnh nhân tâm thần, giúp họ được điều trị và phục hồi chức năng.
Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Các học viên Pháp Luân Công tin vào “Chân, Thiện, Nhẫn” không làm bất cứ điều gì gây hại cho bản thân hoặc người khác và không vi phạm bất kỳ luật nào, nhưng họ lại bị cưỡng bức đưa đến bệnh viện tâm thần. Họ không những không được bảo vệ quyền hợp pháp, mà còn bị ép sử dụng thuốc độc và bị tra tấn.
Bệnh viện An Khang không cho phép người nhà vào thăm, thậm chí không cho người nhà biết tung tích của nạn nhân. Do đó, cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công vô cùng bí mật và tàn bạo.
Học viên Pháp Luân Công Dương Bảo Xuân khi đó 30 tuổi là công nhân tại một nhà máy dệt và nhuộm ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Ông bị giam giữ tại Trại lao động Hàm Đan vào tháng 8/1999 vì thỉnh nguyện ở Bắc Kinh. Ông đã bị tra tấn đến mức bị cắt cụt hai chân vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Sau đó, Phòng 610 Hàm Đan, trại lao động và nhà máy dệt đã vu khống ông là bệnh nhân tâm thần. Năm 2001, ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần (huyện Phì Hương). Vì ông kiên định tu luyện Pháp Luân Công, bệnh viện đã bí mật trộn các loại thuốc gây tổn thương hệ thần kinh vào thức ăn và lừa ông ăn, khiến ông chảy nước dãi, run rẩy toàn thân, trở nên yếu ớt và lú lẫn.
Ngày 28/12/2001, ông được tại ngoại trở về nhà, sau đó ông quyết định đi thỉnh nguyện ở Bắc Kinh. Hai lần ông dùng lòng bàn tay chống trên mặt đất, dò từng bước ra khỏi nhà. Hai tay và mông của ông đều bị cọ xát đến chảy máu, nhưng cả hai lần ông đều bị đơn vị bắt về.
Ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần 3 lần và bị tra tấn bằng thuốc trong 5-6 năm. Trong thời gian này, ông đã nhiều lần cố gắng trốn thoát nhưng đều bị bắt lại, bị sốc điện và đánh đập.
Khi được gia đình đón về vào năm 2009, ông đã hoàn toàn bị bệnh tâm thần. Trong nỗi đau đớn và tuyệt vọng cùng cực, gia đình đã đưa ông đến bệnh viện tâm thần. Theo báo cáo năm 2021 của Minghui.org, ông vẫn đang bị giam giữ ở đó.
“Bệnh nhân tâm thần” bị tra tấn đến mất trí, tàn tật và tử vong
Báo cáo của tổ chức nhân quyền “Safeguard Defenders” đã thu thập 144 trường hợp từ 109 bệnh viện tâm thần, gồm Bệnh viện An Khang, và lập số liệu thống kê về các hình thức ngược đãi mà nạn nhân phải chịu đựng tại các bệnh viện tâm thần.
Trong 86 trường hợp, 3/5 số người (60%) bị coi là “bệnh nhân tâm thần” đã bị trói vào giường. Họ không thể tự ăn hoặc uống và phải đi đại tiểu tiện khi đang nằm. Đội ngũ y tế luôn sẵn sàng tiêm thuốc cho họ.
4/5 trong số 122 trường hợp (77%), nạn nhân bị ép phải dùng thuốc bằng cách tiêm hoặc bức thực. Sau đó, họ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, như buồn nôn, chóng mặt, gặp khó khăn khi nói năng, tê hàm trên và hàm dưới, mất lực cắn, đại tiểu tiện không tự chủ, v.v.
Ngoài ra, bệnh viện tâm thần còn sử dụng biện pháp sốc điện, đánh đập, cô lập, giam giữ không thời hạn và nhiều biện pháp khác để “điều trị” cho các “bệnh nhân tâm thần”.
Ngày 19/4/2020, Bitter Winter đưa tin, nhân viên của một bệnh viện tâm thần ở Đức Châu, Sơn Đông, đã nói với trang tin này rằng: “Bệnh viện không quan tâm họ có bị bệnh hay không. Miễn là họ được đưa vào đó, họ sẽ được điều trị. Nếu họ không uống thuốc, họ sẽ bị bức thực.”
Ông cũng nói: “Bề ngoài, (bệnh viện tâm thần) trông giống như một bệnh viện, nhưng thực tế không khác gì một nhà tù. Cổng được buộc bằng những dây xích sắt lớn, nên không có cách nào thoát ra. Để ngăn chặn bệnh nhân trốn thoát, bệnh viện chỉ cung cấp cho họ rất ít thức ăn.”
Ngày 23/10/2014, Mã Cẩm Xuân, bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Sức khỏe Tâm thần số 1 của Sở Dân chính Thượng Hải, đã trốn sang Hoa Kỳ vì giải cứu nhà bất đồng chính kiến Kiều Trung Lệnh bị ĐCSTQ giam giữ bất hợp pháp tại bệnh viện.
Trong một video bằng chứng mang theo, ông Kiều Trung Lệnh đã mô tả trải nghiệm của mình khi gặp một học viên Pháp Luân Công có tên Từ Lượng, khoảng 35, 36 tuổi khi ông bị giam giữ tại Bệnh viện tâm thần Trường Ninh Thượng Hải.
Vì để lại một tờ giấy ghi “Pháp Luân Đại Pháp hảo” vào hòm thư của một người dân, nên Từ Lượng đã bị cảnh sát bắt cóc và giam giữ tại một trại tạm giam trong 5 tháng, sau đó anh bị đưa đến bệnh viện tâm thần.
Ông Kiều Trung Lệnh cho biết, cảnh ngộ của Từ Lượng rất bi thảm. Từ Lượng từ chối uống thuốc và giấu thuốc dưới lưỡi, nhưng đã bị ban quản lý phát hiện nhiều lần. Họ cạy miệng anh ra và khuấy bằng đũa, khiến miệng anh chảy máu.
Ông Mã Cẩm Xuân nói với phóng viên Epoch Times rằng mặc dù ông không tiếp xúc với các học viên Pháp Luân Công bị bức hại tại bệnh viện tâm thần, nhưng ông hoàn toàn tin rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng bệnh viện tâm thần để bức hại các học viên Pháp Luân Công và cuộc bức hại này rất nghiêm trọng.
Minghui.org có một lượng lớn các báo cáo vạch trần sự tra tấn mà các học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng trong các bệnh viện tâm thần. Mô tả trên có thể chứng minh cuộc đàn áp tinh thần của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.
Học viên Pháp Luân Công Vương Hồng Kiệt là nhân viên của nhà máy sản xuất xe hơi Giang Hoài tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Ông nhiều lần được vinh danh là nhà sản xuất tiên tiến và là hình mẫu của thanh thiếu niên.
Ông đã bị đưa đến “lớp tẩy não” bất hợp pháp 3 lần. Vì từ chối ký “cam kết“ từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, nên cơ thể và tinh thần của ông đã bị huỷ hoại nghiêm trọng.
Năm 2003, Vương Hồng Kiệt bị lớp tẩy não đưa đến Bệnh viện tỉnh An Huy số 4 (Bệnh viện tâm thần Hợp Phì, tỉnh An Huy). Ông bị tiêm thuốc độc và bị đầu độc bằng thuốc trong thời gian dài.
Chân của ông bị bác sĩ và cảnh sát đánh gãy. Sau khi bị đàn áp trong 7 năm, năm 2010 ông mới được đưa về nhà. Khi đó, ông đã bị tâm thần và không thể tự chăm sóc bản thân.
Vào nửa cuối năm 2010, ông Vương Hồng Kiệt đột nhiên mất tích. Năm 2013, gia đình ông nhận được cuộc gọi từ đồn cảnh sát, thông báo đến Bệnh viện tâm thần Đồng Sơn, Từ Châu đến đón ông về.
Khi được đưa về nhà, răng của ông đã bị đánh gãy, sức khỏe thể chất và tinh thần bị tổn hại nghiêm trọng. Ông phải nằm liệt giường và sống nhờ dùng ống thông dạ dày. Ông qua đời vào tháng 10/2018.
Trước đây, học viên Pháp Luân Công Lục Hồng Phong là phó hiệu trưởng của một trường tiểu học ở thành phố Linh Vũ, Ninh Hạ. Năm 2000, bà đã bị ép uống thuốc phá hủy hệ thần kinh tại Bệnh viện tâm thần Linh Vũ.
Bệnh viện sử dụng một loại thuốc nhập khẩu từ Đức. Hầu hết mọi người sẽ hôn mê trong 3 ngày sau khi uống một viên thuốc. Bà Lục Hồng Phong được cho uống 24 viên thuốc mỗi ngày và tử vong sau hơn 50 ngày.
Ngày 24/11/2000, ba nữ học viên Pháp Luân Công ở huyện Tuy Ninh, thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô bị bắt cóc đến bệnh viện tâm thần. Họ bị trói vào giường và tiêm quá nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc. Họ lập tức bất tỉnh và mất ý thức. Khi tỉnh dậy, họ cảm thấy đau đớn tột cùng, lăn lộn trên đất, la hét và đập đầu vào tường.
Khi tỉnh lại, họ hỏi nhân viên y tế tại sao họ lại cho họ dùng thuốc. Người này nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Đây là chỉ thị từ cấp trên của chúng tôi.”
“Nếu bạn nói rằng bạn không tập Pháp Luân Công nữa, chúng tôi có thể ngừng cho bạn dùng thuốc.” Họ cũng bảo các học viên không được trốn khỏi bệnh viện. Nếu không được ngừng dùng thuốc từ từ, họ sẽ phát điên hoặc chết.
Một ngày nọ, một học viên trong số họ ngồi thiền trên một chiếc ghế. Giám đốc bệnh viện nhìn thấy cô ấy và tức giận nói: “Cô vẫn còn tập Pháp Luân Công sao? Tôi sẽ tăng liều lượng tiêm vào thuốc của cô, để cô sống dở chết dở, xem cô còn tiếp tục luyện nữa không!”
Những trường hợp nêu trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tính đến ngày 17/1/2025, khi tìm kiếm thuật ngữ “bệnh viện tâm thần” trên Minghui.org, 10.128 thông tin tìm kiếm và bài viết liên quan đã xuất hiện; khi tìm kiếm thuật ngữ “bệnh tâm thần”, 15.104 kết quả liên quan đã xuất hiện.
ĐCSTQ đang che đậy sự thật và vẫn sử dụng bệnh viện tâm thần để đàn áp người dân
Tô Cương, một học viên Pháp Luân Công 32 tuổi và là kỹ sư tại Nhà máy Olefin của Công ty Hóa dầu Tề Lỗ ở thành phố Truy Bác, Tỉnh Sơn Đông, đã bị bắt cóc khi ông đến Bắc Kinh thỉnh nguyện vào năm 2000. Ngày 23/5, ông đã bị đưa đến một bệnh viện tâm thần và bị tiêm thuốc phá hủy hệ thần kinh trung ương. Ông được thả vào ngày 31/5/2000.
Sau khi trở về nhà, ông bị mất trí nhớ, chán ăn, đi lại khó khăn và qua đời 10 ngày sau đó. Sau khi Trung tâm thông tin nhân quyền và dân chủ Hồng Kông công bố tin tức này, các kênh truyền thông nước ngoài như BBC và AFP đã đưa tin rộng rãi.
Ngày 23/10/2001, bà Ngô Hiểu Hoa, phó giáo sư tại Viện Kiến trúc và Công nghiệp An Huy, đã bị bí mật đưa đến bệnh viện tâm thần để đàn áp.
Trong gần 10 tháng, bà đã bị tiêm và ép uống thuốc gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, bị châm cứu và gây mê bằng điện nhiều lần trong thời gian này, khiến bà di chuyển chậm chạp, rơi vào trạng thái ngủ sâu khó đánh thức, ý thức mơ hồ, phản ứng chậm và bồn chồn bất an.
Cuối tháng 8/2002, Đại hội Tâm thần học thế giới lần thứ 12 đã được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản.
Tại một cuộc họp báo do các chuyên gia tâm thần thế giới tổ chức về tình trạng lạm dụng thuốc tâm thần ở Trung Quốc, Ngô Lệ Lệ, em gái của bà Ngô Hiểu Hoa, sống tại Tokyo, đã tiết lộ cảnh ngộ của chị gái mình trong bệnh viện tâm thần trong một năm qua. Nhiều kênh truyền thông gồm Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, AP và AFP đã đưa tin về việc này.
Hiệp hội Tâm thần Thế giới (WPA) được thành lập năm 1950. Đây là một tổ chức chuyên nghiệp toàn cầu về tâm thần học, hiện có 145 nhóm thành viên tại 125 quốc gia.
Trong đại hội này, vào ngày 26/8, WPA đã bỏ phiếu cử một phái đoàn quốc tế đến Trung Quốc điều tra các cáo buộc rằng Chính phủ Trung Quốc đã lạm dụng chẩn đoán tâm thần nhằm đàn áp Pháp Luân Công.
Nhằm tiến hành cuộc điều tra tại Trung Quốc, hiệp hội đã thành lập một nhóm điều tra gồm 8 thành viên bao gồm các chuyên gia tâm thần đẳng cấp thế giới từ Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đan Mạch, Na Uy và Morocco, và thống nhất với Trung Quốc tiến hành điều tra trước ngày 4/4/2004.
Tuy nhiên, vào ngày 26/3/2004, Chủ tịch WPA, bác sĩ Okasha đã nhận được một lá thư từ Chủ tịch Hiệp hội Tâm thần Trung Quốc, thông báo rằng cuộc khảo sát đã bị hủy bỏ.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, bác sĩ Viviana Gallii, thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, cho biết WPA từng cung cấp cho Trung Quốc (ĐCSTQ) danh sách ít nhất 500 học viên Pháp Luân Công và yêu cầu phỏng vấn một số người trong số họ. Hiện nay người ta suy đoán rằng rất có thể quan chức Trung Quốc không thể thực hiện được thỏa thuận trước đó với WPA.
Một mặt, ĐCSTQ từ chối các cuộc điều tra tại thực địa của cộng đồng quốc tế nhằm che đậy sự thật. Mặt khác, họ tiếp tục sử dụng các bệnh viện tâm thần để đàn áp các học viên Pháp Luân Công và những người bất đồng chính kiến. Những hành động tà ác của ĐCSTQ vẫn đang tiếp diễn.
Vụ việc gần đây của Lý Nghi Tuyết gây chấn động mạng xã hội trong và ngoài nước là một ví dụ điển hình. Lý Nghi Tuyết, một phụ nữ đến từ tỉnh Giang Tây, đột nhiên mất tích sau khi tiết lộ sự thật gây sốc về việc chính quyền Giang Tây sử dụng bệnh viện tâm thần để đàn áp công dân bình thường và hợp pháp, gây ra một cuộc tìm kiếm trên toàn quốc trong cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục.
Dưới áp lực này, chính quyền tỉnh Giang Tây đã ban hành thông báo vào ngày 22/12/2024, nêu rõ rằng một lần nữa cô được xác định là “bệnh nhân tâm thần” và được đưa đến bệnh viện tâm thần để “điều trị”. Trước đó, Lý Nghi Tuyết đã bị cảnh sát địa phương xâm hại, và bị cảnh sát cưỡng chế đưa đến bệnh viện tâm thần.
Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận, ngày 11/1/2025, cảnh sát Nam Xương, tỉnh Giang Tây lại đưa tin rằng Lý Nghi Tuyết mắc 3 bệnh tâm thần, trong đó có “chứng sợ hãi đặc thù“ và cho biết cô đã được cha mình đón đi.
Tuy nhiên, sau đó cha cô đã lên tiếng công khai, cáo buộc chính quyền đã làm sai lệch thông tin và cho biết báo cáo có nhiều thông tin sai lệch. Một số cư dân mạng đến thăm nhà cô và phát hiện cánh cửa sắt mới lắp ở tầng dưới đã đóng chặt và có người canh gác.
Ông Ngô Thiệu Bình, một luật sư nhân quyền sống tại Hoa Kỳ, nói với Epoch Times rằng cảnh sát ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây đang cố gắng che đậy vụ việc. “Thông báo này không thể thay đổi được sự thật rằng họ (ĐCSTQ) đang sử dụng danh nghĩa bệnh tâm thần cưỡng bức, để ngược đãi bất hợp pháp một công dân bình thường.”
Cảnh ngộ của Lý Nghi Tuyết chứng minh rằng ĐCSTQ vẫn đang sử dụng bệnh viện tâm thần để bức hại người dân bình thường, và đang cố gắng hết sức để che đậy sự thật.
Những ví dụ sau đây minh họa rằng các học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị đàn áp tại các bệnh viện tâm thần của ĐCSTQ.
Hà Kính Như, một học viên Pháp Luân Công 68 tuổi đến từ huyện Huệ Đông, thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị cảnh sát thuộc Đội An ninh Quốc gia thuộc Cục Công an huyện Huệ Đông bắt cóc vào năm 2024, và hiện đang bị giam giữ và bức hại bất hợp pháp tại Bệnh viện tâm thần Huệ Châu. Học viên này bị kết án oan 3 lần trước đó và phải ngồi tù 18 năm.
Học viên Pháp Luân Công Ngô Hồng Mai ở quận Bắc Bội, Trùng Khánh đã mất tích hơn 5 năm. Ngày 6/11/2024, Minghui.org đưa tin, theo nguồn tin nội bộ, bà đã bị giam giữ bất hợp pháp tại trung tâm sức khỏe tâm thần quận ở thị trấn Yết Mã, Bắc Bội.
Nhà để xe của Trần Diệp, học viên Pháp Luân Công ở thành phố Tiên Đào, đã bị Cục Quản lý Đô thị thành phố Tiên Đào phá dỡ vào năm 2022, nhưng không bồi thường. Ông Trần Diệp nhiều lần đến Văn phòng phố Can Hà thành phố Tiên Đào để giải quyết vấn đề. Ngày 27/5/2024, người của văn phòng yêu cầu Trần Diệp lên xe, nói rằng họ sẽ đến lấy tiền bồi thường, nhưng chiếc xe lại chạy thẳng đến Bệnh viện tâm thần Tiên Đào. Ông Trần Diệp bị giam giữ 18 ngày, bị còng tay và bị bức thực.
Học viên Pháp Luân Công Trần Tuấn ở quận Giang Hạ, thành phố Vũ Hán bị cảnh sát đột nhập vào nhà, bắt cóc vào ngày 16/6/2022 và bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần Vạn Tế. Bị bức hại bằng thuốc khiến ông mắc bệnh tim và ông buộc phải đặt stent tim mạch. Ngày 8/4/2023, Trần Tuấn trở về nhà sau khi được gia đình giải cứu. Ngày 25/9/2024, ông đã bị kết án bất hợp pháp thêm 7,5 năm tù giam.
Ngày 25/2/2022, bà Hồ Hoành Mỹ, học viên Pháp Luân Công 75 tuổi ở huyện Kim Trại, tỉnh An Huy, bị chính quyền địa phương và nhân viên đồn cảnh sát bắt cóc đến Bệnh viện Tâm thần Bạch Vân, và bị giam giữ bất hợp pháp hơn 8 tháng. Bà đã qua đời trong oan khuất vào ngày 26/3/2023.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công vô nhân đạo kéo dài 25 năm của ĐCSTQ bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Ngày 20/7/2024, kỷ niệm 25 năm nỗ lực phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành một tuyên bố kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt cuộc đàn áp, và trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù vì đức tin của họ.
Ngày 11/7/2024, Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) cũng công bố tuyên bố chung từ 2 đồng chủ tịch của CECC, Chris Smith và Jeff Merkley. Tuyên bố cho biết, các học viên Pháp Luân Công vẫn đang tiếp tục phải gánh chịu những vi phạm nhân quyền kinh hoàng nhất ở Trung Quốc.
CECC kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng lên án tình trạng tra tấn, giam giữ tùy tiện và hạn chế quyền tự do tôn giáo kéo dài trong suốt một phần tư thế kỷ đối với các học viên Pháp Luân Công.
Ngày 20/7/2024, Liên minh nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã ra tuyên bố trên nền tảng X, lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Tuyên bố cho biết, ngày 20/7/2024 đánh dấu 25 năm ngày ĐCSTQ đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Trong 25 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng những gian khổ lâu dài và sâu sắc.
Ngày 10/12/2024, Ngày Nhân quyền Quốc tế, Liên minh Châu Âu (EU) đã ra thông cáo báo chí lên án cuộc đàn áp nhân quyền trên diện rộng của ĐCSTQ, và kêu gọi ĐCSTQ trả tự do cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp ngay lập tức và vô điều kiện.
Theo La Quỳnh/ Epoch Times
Từ khóa Pháp Luân Công Bệnh viện tâm thần