Ba lực cản khiến ông Vương Kỳ Sơn không thể lưu nhiệm
- Tuyết Mai
- •
Trước Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), có hai xu thế dự đoán trong vấn đề ông Vương Kỳ Sơn ra đi hay ở lại, nhưng rồi cuối cùng ông Vương không thể tiếp tục nhiệm vụ, phải bàn giao lại cho ông Triệu Lạc Tế. Truyền thông quốc tế đã chỉ ra ba lực cản quan trọng, đồng thời chia sẻ tình tiết thú vị trong thời điểm ông Tập Cận Bình đọc báo cáo tại Đại hội 19.
Một nguồn tin từ truyền thông Hồng Kông nhận định, phía sau việc ông Vương Kỳ Sơn rút lui có liên quan đến cuộc đấu đá chính trị đầy căng thẳng. Theo lý, ông Vương Kỳ Sơn phải tiếp tục nhiệm vụ, nhưng giới tham quan trong Đảng và thế lực của cựu lãnh đạo Tăng Khánh Hồng đã cản trở thành công, còn ông Lưu Vân Sơn kêu gào nếu ông Vương Kỳ Sơn ở lại thì mình cũng phải được ở lại, kết quả là ông Tập Cận Bình đành phải bỏ cuộc.
Quá trình giữ lại Vương và những lực cản không thể vượt qua
Tạp chí Tiền Tiêu (Hồng Kông) số tháng Mười Hai chỉ ra, tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình không hoàn toàn chi phối được tình hình nhân sự, danh sách Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa mới là kết quả thỏa hiệp giữa các phe phái. Điểm nóng trong ván cờ này chính là ông Vương Kỳ Sơn, đã khiến các phe phái liều chết kháng cự.
Thông tin chỉ ra, ban đầu ông Tập Cận Bình muốn giữ lại ông Vương Kỳ Sơn, còn bản thân Vương cũng vui vẻ đồng ý. Vì vậy trước tháng Chín, cả hai cùng hành động quanh mục tiêu này. Hồi tháng Ba, Bộ Chính trị ĐCSTQ kiến nghị nâng số Ủy viên Thường vụ từ 7 người lên 9 người. Giữa tháng Bẩy, ĐCSTQ tổ chức lựa chọn thành viên Bộ Chính trị Đại hội 19 tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh, trong danh sách 35 người tham gia ứng tuyển cũng có ông Vương Kỳ Sơn.
Nhưng đến thời điểm trưng cầu ý kiến trong Đảng, vấn đề giữ lại ông Vương Kỳ Sơn đã gặp phải chống đối kịch liệt. Trong đó áp lực chính đến từ các thế lực lợi ích lớn nhỏ khác nhau trong Đảng. Vì ông Vương Kỳ Sơn chống tham nhũng đã biến toàn bộ cỗ máy quan lại ĐCSTQ thành kẻ thù, nếu Vương ở lại họ không thể ngủ ngon giấc.
Cản trở thứ hai đến từ các “hổ to” đã nghỉ hưu, đặc biệt là ông Tăng Khánh Hồng, người đưa ra quy tắc “7 lên 8 xuống” (68 tuổi phải nghỉ hưu). Thêm nữa là nhiều lần ông Vương Kỳ Sơn từng mời gặp ông Tăng Khánh Hồng, yêu cầu Tăng khai báo vấn đề tham nhũng của ông ta và phe cánh. Ông Tăng Khánh Hồng lo lắng, nếu Vương không nghỉ hưu thì bản thân ông ta khó thoát kiếp sống trong nhà giam. Vì vậy mà đã dùng mọi cách ngăn chặn không cho Vương ở lại.
Ngoài ra, trở ngại quan trọng thứ ba đến từ các Ủy viên Thường vụ Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ. Việc giữ Vương ở lại khiến họ không phục, không phản đối công khai thì cũng âm thầm, vì ông Vương Kỳ Sơn còn lớn hơn ông Lưu Vân Sơn một tuổi. Thậm chí vấn đề đấu tranh cho Vương ở lại đã đến mức có lần từng đề nghị nâng số Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị lên 11 người.
Cuối cùng vì áp lực quá căng đã khiến ông Vương Kỳ Sơn phải viện cớ vì tình hình sức khỏe không thể tiếp tục nhiệm vụ.
Ván cờ này giằng co cho đến tận đầu tháng Mười, sau khi tình thế Vương rút khỏi Ban Thường vụ đã chắc thì tình hình mới tạm ổn. Có thể thấy, tuy ông Tập Cận Bình chi phối cả nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đã hủy bỏ “chỉ định người kế nhiệm cách khóa”, nhưng cũng không thể phá bỏ được quy tắc ngầm “7 lên 8 xuống”.
Phát hiện hai phe Tập – Giang “đạt được thỏa thuận”
Ngay thời điểm ngày khai mạc Đại hội 19, truyền thông ngoài Trung Quốc Đại Lục có phát hiện tinh tế cảnh quay tại hiện trường liên quan đến cuộc đấu quyền lực tại Trung Nam Hải. Cảnh này diễn ra ngay thời điểm ông Tập Cận Bình đọc báo cáo công tác, được giới quan sát nhận định là hiện tượng “thỏa thuận ngầm” giữa phe cánh ông Tập Cận Bình và phe cánh cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Theo tờ Thông tin Kinh tế Nhật Bản (Nikkei) chỉ ra, vào ngày khai mạc Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã đọc báo cáo công tác rườm rà kéo dài đến ba tiếng rưỡi, làm nhiều đại biểu tham dự tại Đại lễ đường Bắc Kinh có những hành động riêng tư.
Trong khoảng thời gian “dài bất tận” này, có cảnh một viên thư ký đi đến bên cạnh ông Đinh Tiết Tường (Chủ nhiệm Văn phòng Tập Cận Bình) nói thầm và đưa ra một mảnh giấy, sau đó hai người “cúi đầu rỉ tai” thảo luận một lúc. Tiếp theo vị thư ký này lại đi đến cạnh ông Lật Chiến Thư (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương) ở hàng ghế đầu, hai người tiếp tục xem mảnh giấy và âm thầm trao đổi.
Tiếp theo, vị thư ký lại đi đến cạnh ông Ủy viên Thường vụ Lưu Vân Sơn, cho ông ta xem mảnh giấy. Ông Lưu không trò chuyện với vị thư ký, nhưng nghiêng người qua thầm thì với ông Trương Đức Giang ngồi cạnh.
Theo nhận định, đây chính là bối cảnh hai phe đang âm thầm trao đổi, cảnh này làm nhiều kênh truyền thông quốc tế nhận định rằng họ đã “đạt được thỏa thuận”.
Tham gia vào cảnh trao đổi kể trên có hai Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là Lưu Vân Sơn và Trương Đức Giang, thuộc phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Còn ông Đinh Tiết Tường và ông Lật Chiến Thư là phe lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình.
Dĩ nhiên thật khó biết được nội dung cụ thể của mảnh giấy kia là gì.
Nhận định về bối cảnh chung tại Đại hội 19, giáo sư Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang) thuộc Khoa Chính trị Đại học Victoria – Canada (từng là cán bộ cũ của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Triệu Tử Dương) cho biết, nhìn từ góc độ được – mất của ông Tập Cận Bình, thông qua nỗ lực tập trung quyền lực Đại hội 19 và phá bỏ được quy tắc trò chơi của những người tiền nhiệm, ông suy đoán, để có đủ khả năng này ông Tập phải chiếm thế thượng phong ở mức 70%, còn phải thỏa hiệp mức 30%.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Lưu Vân Sơn Đại hội 19 Tập Cận Bình Giang Trạch Dân Tăng Khánh Hồng Vương Kỳ Sơn Trương Đức Giang